Để tải tài liệu có thể chỉnh sửa vui lòng liên hệ qua Zalo: 0388202311
LỜI NÓI ĐẦU!
Các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh trong kì thi vào lớp 10 Trung học phổ thông, Phòng GDĐT phối hợp tổ giáo viên cốt cán biên soạn tài liệu “Các chuyên đề ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn”.
Nội dung tài liệu bám sát chương trình Ngữ văn 9, cấu trúc và các dạng đề thường gặp trong những năm gần đây. Cụ thể chia làm 6 chuyên đề cơ bản:
Chuyên đề 1: Câu và các thành phần câu.
Chuyên đề 2: Hướng dẫn học sinh cách phân tích giá trị nghệ thuật của một số biện pháp tu từ.
Chuyên đề 3: Đoạn văn
Chuyên đề 4: Văn học trung đại.
Chuyên đề 5: Thơ hiện đại.
Chuyên đề 6: Truyện hiện đại.
Chúng tôi hy vọng cuốn tài liệu này sẽ góp thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các thầy cô và các em trong chương trình ôn tập môn Ngữ văn chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10.
Việc biên soạn tài liệu chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nên chúng tôi khó tránh khỏi những thiếu sót. Nên rất mong nhận được sự đóng góp từ các bạn đồng nghiệp, các em học sinh để tài liệu ngày càng hoàn thiện hơn và thực sự trở thành người bạn đồng hành của chúng ta trong mỗi kì thi.
Chúc các thầy cô và các em thành công!
CHUYÊN ĐỀ 1:
CÂU VÀ MỘT SỐ THÀNH PHẦN CÂU
A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Giúp Hs hiểu rõ về các thành phần câu, các kiểu câu trong Tiếng Việt .
- Thông qua hệ thống các bài tập, rèn luyện cho Hs biết nhận diện và có khả năng vận dụng sáng tạo, linh hoạt các kiểu câu trong khi nói hoặc viết - nhất là viết câu, dựng đoạn.
- Tích hợp kiến thức văn học – các văn bản trong Ngữ văn 9 để củng cố kiến thức phần văn (thông qua các ví dụ minh họa hoặc bài tập).
- Nâng cao chất lượng kì thi tuyển sinh vào lớp 10.
B. PHƯƠNG PHÁP:
- Thuyết trình, vấn đáp.
- Kích thích tư duy, phân tích ngôn ngữ, đối chiếu…
C. NỘI DUNG
I. CÁC THÀNH PHẦN CÂU
I.1.Thành phần chính của câu: là những thành phần bắt buộc phải có mặt để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được ý trọn vẹn, bao gồm chủ ngữ và vị ngữ.
- Chủ ngữ:
+Là một trong hai thành phần chính của câu nêu tên sự vật, hiện tượng có đặc điểm, tính chất, hoạt động, trạng thái ... được nói đến ở vị ngữ.
+ Chủ ngữ thường trả lời câu hỏi: ai? con gì? cái gì?
+ Đặc điểm: chủ ngữ thường đứng trước vị ngữ, do danh từ, cụm danh từ, đại từ đảm nhiệm. Câu có thể có một hoặc nhiều chủ ngữ.
Ví dụ: Những cô gái thanh niên xung phong//rất dũng cảm, gan dạ. (CN là một cụm danh từ)
Lưu ý: Đôi khi chủ ngữ có thể do tính từ, cụm tính từ, động từ, cụm động từ đảm nhiệm.
- Vị ngữ: là một trong hai thành phần chính của câu nêu lên đặc điểm, tính chất, hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng được nói đến ở chủ ngữ, có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian (như: đã, sẽ đang, vừa, mới ,sắp…)
+ Vị ngữ thường trả lời cho câu hỏi làm gì?, làm sao?, như thế nào?, là gì?,
+Vị ngữ thường do động từ (cụm động từ ) tính từ (cụm tính từ) đảm nhiệm và một câu có thể có nhiều vị ngữ.
Ví dụ: Anh thanh niên rất thành thật, khiêm tốn. (VN là CTT, tính từ)
Lưu ý: Vị ngữ cũng có thể do danh từ hoặc cụm danh từ đảm nhiệm
Ví dụ: Ông Hai là người nông dân làng Chợ Dầu.(VN là cụm danh từ)
I.2. Thành phần phụ của câu: Là thành phần không bắt buộc có mặt.
Thành phần phụ của câu gồm: Trạng ngữ và khởi ngữ.
a. Trạng ngữ: Là thành phần phụ được thêm vào câu để xác định thời gian, không gian, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra của sự việc nêu trong câu.
VD: + Một ngày chúng tôi phá bom đến đến năm lần.(TN chỉ thời gian )
(Lê Minh Khuê)
- Vị trí: Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu, giữa câu.
- Tác dụng: Làm cho nội dung của câu được đầy đủ, chính xác hoặc kết nối các câu, các đoạn với nhau khiến cho việc diễn đạt thêm mạch lạc.
- Phân loại trạng ngữ:
+ Trạng ngữ chỉ không gian - nơi chốn ( trả lời câu hỏi: Ở đâu? )
VD: Trên cao điểm, cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong rất gian khổ, luôn phải đối mặt với nhiều thử thách, hiểm nguy.
+ Trạng ngữ chỉ thời gian (trả lời câu hỏi: Khi nào?, bao giờ?)
+ Trạng ngữ chỉ nguyên nhân (trả lời câu hỏi: Vì sao?)
VD: Vì chiến tranh, ông Sáu phải xa nhà đi chiến đấu.
+ Trạng ngữ chỉ mục đích (trả lời câu hỏi: để làm gì?)
VD: Để hoàn thành nhiệm vụ, anh thanh niên đã cố gắng và vượt qua mọi sự khắc nghiệt.
+ Trạng ngữ chỉ phương tiện (trả lời câu hỏi: bằng gì?) và thường bắt đầu bằng từ bằng, với
+ Trạng ngữ chỉ cách thức (trả lời câu hỏi: như thế nào?)
* Lưu ý :
+ Cần phân biệt trạng ngữ (nhất là có trong câu đơn) với một vế câu trong câu ghép. Tránh sự nhầm lẫn thành phần trạng ngữ có cấu tạo là một cụm C-V nhưng lại coi nó là một vế của câu ghép.
VD: Tay xách cặp, cô giáo bước vào lớp
=>Trạng ngữ chỉ cách thức được cấu tạo bằng một kết cấu C-V chứ không phải là một vế câu trong câu ghép (đây thuộc câu đơn).
b. Khởi ngữ:
+ Khái niệm: Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
+ Hình thức nhận diện: Trước khởi ngữ thường có hoặc có thể thêm các quan hệ từ về, với, đối với.
Ví dụ:
- Đối với anh thanh niên, công việc là niềm vui, là lẽ sống, là tất cả ý nghĩa của cuộc đời.
- Về văn học, một tác phẩm hay phải chạm đến những cảm xúc sâu nhất trong lòng bạn đọc.
I.3. Thành phần biệt lập.
- Thành phần biệt lập là thành phần không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu, bao gồm:
I.3.1. Thành phần tình thái:
- Chức năng: Được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
- Các từ thường dùng của thành phần tình thái : Có lẽ, hình như, dường như, có vẻ như, chắc chắn, chắc hẳn, chắc là…
VD: + Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
+ Hình như thu đã về.
(Hữu Thỉnh, Sang thu)
I.3.2 Thành phần cảm thán:
- Chức năng: Được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, mừng, giận,...).
VD: + Ôi, lí tưởng sống của anh thanh niên mới đẹp làm sao!
+ Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
- Hình thức nhận diện: Thường có từ cảm thán
*Lưu ý:
+ Cần phân biệt thành phần cảm thán và câu cảm thán: Hình thức nhận diện dễ nhất của câu cảm thán là là kết thúc câu thường là dấu chẩm than và trong câu có chứa từ cảm thán. Còn thành phần cảm thán thường dùng các từ :Ôi, chao ôi, than ôi, ồ, a.. và thường đứng trước chủ ngữ, sau nó thường là dấu phảy.
VD câu cảm thán :
- Chao ôi! Người lính lái xe phải đối mặt với nhiều sự khắc nghiệt khi lái những chiếc xe không kính…
VD thành phần tình thái: Ôi, người lính lái xe phải đối mặt với nhiều sự khắc nghiệt…