Mùa thu quả nhiên là mùa nhạy cảm bậc nhất trong năm. Con người cùng tạo vật thảy đều nhạy cảm. Tuy nhiên, cái thời điểm mà sự nhạy cảm của hồn tạo vật luôn thách thức với sự nhạy cảm của hồn người vẫn là thời khắc giao mùa - chớm thu. Chả thế mà bao đời nay luôn có sự đua ganh giữa hồn thơ với hồn tạo vật. Gọn nhẹ hơn, chỉ điểm qua những thi tứ nổi bật dành cho nhịp chuyển mùa thôi, chắc cũng không xuể. Hãy cùng Hữu Thỉnh, bước ngay… Sang thu để cảm nhận được ranh giới mơ hồ của thời gian và không gian qua khổ thơ...
…..
…..
….
Nhà thơ Hữu Thỉnh (1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, là một nhà thơ nổi tiếng của nhà thơ Việt Nam. Ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam và là Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, kiêm nhiệm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Bài thơ Sang thu được sáng tác năm 1977, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, thiên nhiên đang bước sang thu. Sang thu chính là cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ là cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm về đời người khi chớm thu.
KHỔ 1
Có thể nói, trước đó có rất nhiều bài thơ nổi tiếng về “thu”. Nhưng bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh vẫn được yêu mến bởi một hồn thơ nhạy cảm và sâu lắng. Bài thơ là bút pháp nghệ thuật tinh tế, tài hoa của tác giả khi thể hiện cảnh sắc mùa thu ở đồng quê miền Bắc. Mở đầu bài thơ, Hữu Thỉnh đã cho ta cảm nhận rõ về tín hiệu giao mùa khi sang thu. Bước độ sang thu, nó cảm nhận qua “hương ổi” được phả vào làn gió thu se lạnh, một mùi hương nồng nàn, khó quên:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.
Bài thơ bắt đầu với từ “bỗng” gợi cảm giác ngỡ ngàng, ngạc nhiên, thu đến như bất ngờ không hẹn trước. Và tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận được không phải là bầu trời xanh, hương cốm mớ, lá vàng rơi mà là hương ổi. Thứ hương thơm dân dã, mộc mạc của cây trái vườn nhà. Thứ quà quê bình dị trong cuộc sống nhưng rất mới mẻ trong thơ ca mùa thu. Lí giải về “hương ổi” Hữu Thỉnh cũng từng tâm sự: “Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác thì mùi hương đó gợi đến cái tuổi ấu thơ, gợi đến những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông… Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta.” Gió thu nhè nhẹ, se lạnh, đưa hương ổi nồng nàn phả vào không gian. Hương ổi vốn nồn nàn trong gió thu se lạnh, nó càng trở nên sánh lại quyện vào trong gió, đủ để thức dậy cả một không gian vườn ngõ đủ để làm sống dậy cả một miền kí ức tuổi thơ.
Sau hương ổi và gió thu se, tín hiệu sang thu còn là:
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Cùng với hương ổi, gió se, tín hiệu sang thu còn là “sương chùng chình”. Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa. Hai chữ “chùng chình” gợi hình ảnh một làn sương mỏng nhẹ, mờ ảo, diễn tả bước đi chầm chậm của mùa thu đang về. Nó khơi gợi về cái tình người lưu luyến, bâng khuâng. Từ “ngõ” có thể hiểu là ngõ nhỏ của những làng quê thời đó, cũng có thể là ngõ của thời gian nối giữa hai mùa “hạ” – “thu”. Nói đến cái chùng chình, lưu luyến chúng ta cũng bắt gặp nó trong một bài thơ của Hữu Thỉnh.
Đi suốt cả ngày thu
Vẫn chưa về tới ngõ
Dùng dằng hoa quan họ
Nở tím bên sông Thương.
(Chiều sông Thương)
Khác với tâm trạng náo nức, tươi vui của Xuân Diệu khi thốt lên:
“Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Thì Hữu Thỉnh cảm nhận thu đến từ từ, nhẹ nhàng lúc nào không hay. Từ ngữ “hình như” thể hiện sự phỏng đoán nét thu mơ hồ, như vừa chợt phát hiện và cảm nhận Đó là sự tự vấn, ngỡ ngàng, bối rối, giật mình của tác giả.
Những chuyển biến của không gian được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế, là khứu giác (hương ổi) là xúc giác (gió se) là thị giác (sương chùng chình) và bằng tâm hồn (hình như thu đã về). Đó là cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về.
KHỔ 2
Nếu ở khổ thơ thứ nhất, thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình, mờ ảo trong không gian gần và hẹp thì sang đến khổ thơ thứ hai, không gian ấy đã rộng hơn, cao hơn. Đó là những chuyển biến của đất trời khi sang thu.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Những câu thơ đăng đối, nhịp nhàng có sự đối lập giữa dòng sông dềnh dàng với cánh chim vội vã diễn tả sự vận động đối lập nhau của những sự vật, đặc trưng cho cảnh sắc của sang thu. Không gian của bức tranh sang thu được mở rộng cả về chiều cao, độ rộng của bầu trời. Hình ảnh dòng sông được nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng”, tức là chậm chạp, thong thả. Dòng sông không còn cuồn cuộn, gấp gáp chảy trước những cơn mưa lũ của mùa hạ nữa mà thay vào đó, nó trở nên lắng lại, từ từ, nhẹ nhàng, lững lờ trôi. Dường như, dòng sông cũng ngập ngừng như muốn níu kéo mùa hạ, chưa muốn sang mùa thu. Ngược lại với sự “dềnh dàng” của dòng sông là trạng thái “vội vã” của cánh chim đang mải miết bay đi tránh rét khi chúng bắt đầu cảm nhận được cái se se lạnh của tiết trời đầu thu. Không gian đất trời vào thu bằng những dấu hiệu và hình ảnh rất nhẹ nhàng, mang nét đặc trưng của thiên nhiên vùng Bắc Bộ.
Bức tranh thu trở nên thật hữu tình và thi vị khi:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Khép lại khổ thơ là hình ảnh đám mây được nhân hóa với hành động “vắt nửa mình”. Ở đây, thu chỉ mới ở nơi cửa ngõ, cho nên đám mây mới chỉ vắt nửa mình. Nghệ thuật nhân hóa và liên tưởng độc đáo đã gợi cho chúng ta thấy một đám mây bồng bềnh, duyên dáng trên bầu trời. Nó có ý nghĩa diễn tả sự vận động, hữu hình hóa bước đi của thời gian. Đó là sản phẩm rất nên thơ và hết sức độc đáo, tinh tế, sáng tạo của tác giả. Nhà thơ không dùng những từ ngữ nào khác, mà lại dùng từ “vắt” để miêu tả về đám mây. Đám mây như được kéo dài ra, vắt lên đặt ngang với bầu trời rồi thả mình xuống mùa thu. Hữu Thỉnh cũng đã tâm sự lí do vì sao đám mây chỉ mới “vắt nửa mình” - “Mây mùa hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí là giông bão, tựa hồ những ước mơ khát khao của tuổi trẻ… Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tại là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng thành hiện thực... Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở tuổi còn rất trẻ... Vì thế nên đám mây trong thơ ấy chỉ “vắt nửa mình sang thu” thôi, nửa còn lại đã trở thành kí ức…”
Đám mây ấy đâu chỉ được nhìn bằng mắt mà còn được cảm nhận bằng sự rung động của tâm hồn, của trái tim. Một áng mây bâng khuâng đã cho thấy bầu trời nhuộm nửa thu. Mây là thực, ranh giới mùa là ảo, và đến một lúc nào đó, đám mây ấy sẽ tràn sang trọn vẹn bầu trời thu như Nguyễn Khuyến đã từng viết “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Đây thực chất là cách nói lấy không gian để chỉ thời gian.
KHỔ 3
Nhà phê bình văn học Vũ Nho đã từng nói “Hai khổ thơ đầu rất đẹp trong tạo hình, rất tinh trong cảm nhận như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ cuối mới là cái gốc của cây thơ ấy để hoàn thiện hơn cái ý thơ sang thu của đời người đã thấp thoáng ở trên”. Từ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến và những rung động mãnh liệt trước những phút giây giao mùa vào thu ở khổ một, hai, nhà thơ chuyển sang giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời khi sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Trước tiên đó là những chuyển biến âm thầm của tạo vật. Để ý một chút, sẽ thấy rằng đến đây, tâm thế thi sĩ không còn ngỡ ngàng bất giác như khổ một, say sưa tri giác như khổ hai, mà lòng đã nặng hơn, đã ra chiều trầm ngâm với suy ngẫm rồi. Những hiện tượng thiên nhiên của mùa thu vào thời điểm