GIÁO ÁN BÀN TAY NẶN BỘT CÁC BÀI KHOA HỌC LỚP 4
KHOA HỌC
THỰC VẬT CẦN GÌ ĐỂ SỐNG ?
I. MỤC TIÊU
- Nêu được những yếu tố cần để duy trì sự sống của thực vật: nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ và chất khoáng .
*GDKNS: - Kĩ năng làm việc nhóm.
- Kĩ năng quan sát có đối chứng để thấy sự phát triển khác nhau của cây trong những điều kiện khác nhau.
II. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột
III. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC
- HS mang đến lớp những loại cây đã được gieo trồng theo yêu cầu TN
( 5cây cùng loại được trồng trong 5 lon sữa bò hoặc 5 chai nhựa)
- Phiếu học tập theo nhóm
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
1. Giới thiệu bài :
- Các em cho cô biết : Ở môn khoa học, từ đầu năm học lại nay, chúng ta đã được học mấy chủ đề ? Đó là những chủ đề nào ? ( Chúng ta đã được học 2 chủ đề, đó là chủ đề Con người và sức khỏe ; chủ đề Vật chất và năng lượng)
GV: Từ tiết học này trở đi, chúng ta bắt đầu học sang một chủ đề mới, đó là chủ đề « Thực vật và động vật ».
- Vậy em nào có thể nhắc lại được : Con người cần gì để sống ? ( Con người muốn sống được cần phải có thức ăn, không khí, nước uống, ánh sáng, ...)
GV : Còn cây cối muốn sống và phát triển được cần phải có những điều kiện nào ? Bài hôm nay sẽ giúp chúng ta cùng tìm hiểu xem Thực vật cần gì để sống ?
- GV ghi mục bài.
2. Dạy bài mới :
Bước 1: Tình huống xuất phát nêu vấn đề
GV nói: Như các em đã biết con người cần ô- xi để thở, cần nước để uống, cần thức ăn để tồn tại, cần ánh sáng để duy trì sự sống và cảm nhận được các vẻ đẹp của thiên nhiên . Vậy theo các em, Thực vật cần gì để sống và phát triển? cô mời các em nêu dự đoán của mình vào vở ghi chép khoa học, sau đó hội ý nhóm và ghi vào bảng của nhóm mình.
Bước 2: Ý kiến ban đầu của học sinh
- GV phát phiếu, bút dạ cho 3 nhóm để ghi dự đoán
- HS nêu dự đoán .
VD : Để sống được, thực vật cần :
- Được tưới nước thường xuyên
- Thực vật cần được chiếu sáng
- Cần có nhiệt độ thích hợp
- Thực vật cần ô - xi để thở
- Cây cần được bón phân chuồng
- Nếu không có đất thì cây cối sẽ chết
- Cây trồng cần phải có phân đạm,
- Cây cần được bảo vệ
- Thực vật cần có nước, ánh sáng, không khí, đất thì mới sống và phát triển được.
.....
Bước 3. Đề xuất câu hỏi và phương án tìm tòi, nghiên cứu:
- Qua dự đoán của các nhóm, các em có điều gì còn băn khoăn nữa không?
- HS nêu thắc mắc của mình
VD: Thiếu nước không biết cây có sống được không?
Không biết cây cần những điều kiện gì để mà sống và phát triển được?
Bạn có chắc rằng cây cần được chiếu sáng thường xuyên không?
- Qua nghe các thắc mắc của 1 số bạn, cô đã tổng hợp chung với một câu hỏi, đó là:
+ Những điều kiện nào giúp cây sống và phát triển bình thường?
- 1 HS nêu lại thắc mắc GV vừa ghi bảng
Bước 4. Tiến hành thực nghiệm phương án tìm tòi:
- GV: Trên đây là thắc mắc của các em, vậy chúng ta nên làm gì để giải quyết thắc mắc đó?
- HS: Đọc sách giáo khoa, hỏi bố mẹ, làm thí nghiệm, ...
- Vậy theo em phương án nào tối ưu nhất để chúng ta gải thích được điều đó?
( Làm TN)
- Để làm thí nghiệm, các em cần chuẩn bị những đồ dùng gì? Và thí nghiệm ra làm sao?
*HS: Các nhóm báo cáo sự chuẩn bị của nhóm mình.
Nhóm 1 : Nhóm em cùng gieo 5 hạt ngô cho cây nảy mầm. Sau 2 tuần em đem cây con trồng vào trong 5 hộp. 4 cây được trồng cùng loại đất màu như nhau, cây thứ 5 trồng trong một chậu sỏi đã rửa sạch. Sau khi trồng xong :
Cây 1: Đặt trong phòng tối, tưới nước thường xuyên.
Cây 2: Để nơi có ánh sáng, tưới nước thường xuyên và bôi một lớp sơn móng tay mỏng lên 2 mặt lá.
Cây 3: Để nơi có ánh sáng nhưng không tưới nước.
Cây 4: Để nơi có ánh sáng, tưới nước thường xuyên.
Cây 5: Trồng với 1 ít sỏi đã rửa sạch, tưới nước thường xuyên.
Nhóm 2 : Nhóm em trồng 5 cây bạc hà vào cùng một thời điểm, sau đó em phân ra cho mỗi bạn tự chăm sóc một cây. Cách chăm sóc cây của nhóm em cũng giống nhóm bạn.
Nhóm 3 : Báo cáo tương tự với cây tía tô.