Đề: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tuổi thơ của những đứa trẻ thời công nghệ.
Bài làm
“Đặt máy xuống để bên con” - Tôi đã giật mình khi nghe thấy thông điệp này từ một quảng cáo trên tivi. Đó cũng là lúc tôi nhận ra tuổi thơ của những đứa trẻ thời công nghệ đang bị đánh cắp quá nhiều. Tuổi thơ là khoảng thời gian từ khi một đứa trẻ sinh ra cho đến tuổi thiếu niên, đây chính là khoảng thời gian vô tư, hồn nhiên nhất nhất đời của mỗi con người. Những đứa trẻ ngày nay được thừa hưởng thành tựu to lớn của nền công nghệ hiện đại. Chúng có thể thỏa sức học tập những điều lí thú, bổ ích từ kho kiến thức khổng lồ trên Internet. Ngoài phục vụ cho việc học tập, phát triển bản thân thì những ứng dụng công nghệ cũng là nơi để những đứa trẻ giải trí, vui chơi. Song cũng chính sự phát triển của công nghệ cũng khiến cho khoảng không gian vui chơi của trẻ bị thu hẹp lại, dẫn đến việc trẻ rất lười vận động chỉ thích xem điện thoại. Dường như công nghệ đã trói chặt chân những đứa trẻ, giam chúng trong ngôi nhà của mình. Lâu dần trẻ sẽ rơi vào thế giới ảo, rời xa cuộc sống thực, không còn quan tâm đến cuộc sống xung quanh. Đây cũng chính là lí do khiến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng giảm đi. Đôi khi trẻ em tiếp cận sớm với những thông tin không phù hợp, không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến tâm lí và sự phát triển nhân cách của trẻ. Những mặt trái của tuổi thơ thời công nghệ khiến tôi nhớ tới Thơ Nguyễn là một youtuber làm các chương trình cho trẻ em và được các bạn nhỏ hết sức yêu quý cho đến khi chị ấy đăng tải một video với nội dung “Xin vía búp bê để học giỏi” - một nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ song nó đã được rất nhiều các bạn nhỏ xem được và khiến chúng có suy nghĩ sai lệch rằng mình không cần học mà vẫn có thể giỏi nhờ xin vía búp bê. Chính những điều lệch lạc trong suy nghĩ đó đã đang góp phần đánh cắp, giết hại tuổi thơ của trẻ. Công nghệ là một điều gì đó rất kỳ diệu mà ta nhận được trong cuộc sống nhưng điều quan trọng là bất cứ lứa tuổi nào thì chúng ta cũng cần cân bằng lại về quỹ thời gian sử dụng ứng dụng hiện đại của công nghệ để đạt mục đích sử dụng chứ không phải lạm dụng nó. Hãy nhìn vào những mặt tốt mà công nghệ mang lại cho cuộc sống để thêm một lần nhận ra mình cần phải sống chậm hơn, đặt chiếc điện thoại xuống và ôm lấy đứa trẻ ở bên mình.
Đề bài: "Trong sự đối đầu giữa dòng suối và hòn đá, dòng suối luôn luôn thắng, không phải qua sức mạnh mà bằng sự bền bỉ." (H. Jackson Brown).
Bàilàm
“Nước chảy đá mòn”, đó là câu tục ngữ ẩn ý nhắc con người ta nhớ lấy sức mạnh to lớn của sự kiên trì, nhẫn nại. Giống như H. Jackson Brown từng nói: "Trong sự đối đầu giữa dòng suối và hòn đá, dòng suối luôn luôn thắng, không phải qua sức mạnh mà bằng sự bền bỉ” cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự bền bỉ trong cuộc sống. Bền bỉ là thái độ nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, quyết tâm vượt qua thử thách để theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra. Có được sự bền bỉ tức là bạn đã có được vũ khí mạnh nhất trong mọi cuộc chiến. Đường dài dài biết ngựa hay, chỉ người có đủ sự bền bỉ mới đủ khả năng vận hành những công việc tốn thời gian và sức lực trong khoảng thời gian dài để đạt được những thành tựu lớn. Cũng chỉ khi bển bỉ, con người ta mới tiến xa hơn vị trí mà họ đang đứng, giúp họ mở mang tri thức và có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá. Hơn nữa sự bền bỉ còn chuyển hoá thành sức mạnh và bản lĩnh để ta vượt qua những khó khăn trong công việc hay học tập. Nhắc đến vấn đề này, tôi lại nhớ tới Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba, vị tỉ phú hàng đầu Trung Quốc. Trong suốt quãng đời đi học, Jack Ma luôn chỉ có thể theo học được những ngôi trường tầm trung, nếu không muốn nói là quá kém như ngôi trường trung học mà ông theo học được mở ra để nhận những học sinh tiểu học không trúng tuyển vào bất cứ trường nào trong thành phố. Con người từng hai lần trượt đại học, mười lần bị Harvard từ chối và ba mươi lần xin việc thất bại nhưng bằng sự bền bỉ của mình, ông bắt đầu từ một giáo viên tiếng Anh và tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời khi trở thành người đi đầu trong việc tiếp cận, sử dụng và tận dụng mạng internet ở Trung Quốc. Câu chuyện ấy và bài học từ trích dẫn cho tôi nhiều cảm hứng và suy nghĩ. Tôi tự cảm thấy trước giờ mình còn lười nhác và buông thả trong cuộc sống. Giờ đây tôi biết rằng mình phải nghiêm khắc hơn với chính bản thân, phải biết kiên trì và nỗ lực hơn để đạt được những mục tiêu mình đề ra. Bạn biết đấy kiến tha lâu thì đầy tổ, hãy cứ chăm chỉ, kiên trì rồi những gì bạn mong muốn sẽ sớm đến thôi.
Chủ đề : Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ.
Hôm đó lúc nóng giận, mình nói với bố mẹ: “Con sẽ không đi học nữa đâu, bố mẹ đừng ép con!” Thế rồi đêm ấy, mình nhìn thấy mẹ khóc, bố thở dài. Khoảnh khắc ấy khiến mình nhận ra sự thấu hiểu của con cái với cha mẹ là một điều thực sự quan trọng và mình tin mình có thể làm được. Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ được hiểu là việc mỗi người con đặt mình vào vị trí của cha mẹ, hiểu cho cha mẹ, thông cảm cho cách cư xử của cha mẹ, nghe theo những lời khuyên bảo, chỉ dạy có ích của cha mẹ để hoàn thiện bản thân cũng như yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Bạn biết đấy, bất cứ yêu thương nào cũng cần xuất phát từ sự thấu hiểu, khi thấu hiểu cho bố mẹ, đặt mình vào vị trí, suy nghĩ của người ta sẽ chiến thắng được cái tôi cá nhân vị kỉ, mở lòng đón nhận những bài học được rút ra từ lời dạy bảo của bố mẹ, trở thành người lắng nghe có thiện chí. Thấu hiểu cha mẹ cũng là tiền đề giảm bớt những xung đột, tranh luận gay gắt trong gia đình, từ đó gia đình sẽ hạnh phúc, vui vẻ, gắn kết với nhau hơn. Cuộc sống nhiều áp lực chúng ta phải đương đầu, bố mẹ cùng vậy, thậm chí đó còn là trách nhiệm, gánh nặng cuộc sống. Vậy nên khi bạn nghĩ rằng bố mẹ không hiểu mình thì nên tự vấn chính bản thân mình cũng đã thực sự thấu hiểu, cảm thông cho những vất vả của cha mẹ hay chưa. Họ - Những con người luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, luôn muốn con mình được vui vẻ, hạnh phúc thế nên có bao nhiêu vất vả cũng sẽ nhất định vượt qua, không bỏ cuộc. Đến bây giờ, câu chuyện về em bé Hải An – em bé dũng cảm mang trong mình trái tim yêu thương, thấu hiểu. Biết mình sẽ qua đời khi mắc bệnh ung thư thần kinh đệm não cầu, Hải An, khi ấy chỉ 7 tuổi đã biết thấu hiểu cho những yêu thương, vất vả của mẹ trong hành trình chiến đấu cùng em. Trong những lần trị xạ đầu tiên còn la toáng lên nhưng sau đó đã nói với mẹ: "Mẹ ơi bảo bác sĩ châm nhiều kim nữa cũng được. Con chịu đựng được để nhanh khỏe bệnh". Xúc động nhất có lẽ chính là những điều Hải An gửi lại cho mẹ khi tạm biệt mẹ lên thiên đàng: "Mẹ ơi ăn uống mỗi ngày phải ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh, hoa quả ăn nhiều không sợ, đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp, không vội"; "Mẹ ơi, mẹ đừng dùng thuốc ngủ nhé"; "Mẹ ơi con yêu mẹ, đừng khóc mẹ nhé!"… Câu chuyện xúc động ấy đã khiến chúng ta thêm một lần tự nhìn nhận lại chính bản thân mình, nếu đã không thể làm cha mẹ vui thì nhất định không được làm người buồn. Bởi lẽ người cho chúng ta sinh mệnh này, cuộc đời này chính là cha mẹ. Một lần tự đặt mình vào cha mẹ để thấu hiểu cho những trăn trở ấy, những vất vả ấy, những lần nóng giận ấy,…và để giữ lại những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc, tình yêu thương. Tôi tự hứa với bản thân của mình sẽ thay đổi từng ngày, kiềm chế cơn nóng giận, học cách trân trọng từng phút giây bên gia đình, bên cha mẹ, cũng sẽ thay đổi để bản thân tốt hơn bởi sự thấu hiểu ấy cũng chính là cơ hội và động lực để tôi hoàn thiện hơn mỗi ngày. Bạn này, bạn có thấy những sợi tóc bạc điểm trên mái tóc bố mẹ không, chúng ta đang lớn lên còn cha mẹ thì đang già đi từng ngày. Chúng ta luôn muốn bố mẹ phải thấu hiểu mình nhưng hiếm khi tự bỏ cái tôi xuống để thấu hiểu bố mẹ. Bài học giản đơn thế mà mình còn bỏ lỡ, rồi mình sẽ còn bỏ lỡ những thứ gì? Ngày hôm nay, tự nhắc nhở bản thân hãy trân trọng những điều bố mẹ dành cho chúng ta, thấu hiểu cho những nỗi vui, buồn của cha mẹ bởi vì chúng mình mình ấy mà, có đi nhanh cỡ nào chưa chắc đã chiến thắng được thời gian của bố mẹ đâu. Vậy nên, xin hãy trân trọng những điều mình đang có và chúng ta chỉ có duy nhất một – cha - mẹ, một gia đình mà thôi!