TRUYỆN KIỀU LÀ BẢN CÁO TRẠNG ĐANH THÉP LÊN ÁN TỐ CÁO NHỮNG THẾ LỰC TÀN BẠO CHÀ ĐẠP CON NGƯỜI.
Nếu thơ chữ Hán của Nguyễn Du là tấm gương rọi chiếu tấc lòng của người nghệ sĩ tài hoa trong những tháng năm cuộc đời có nhiều đau thương và biến động dữ dội thì Truyện Kiều là nơi thi hào gửi gắm nhiều trăn trở, suy tư, cả những nỗi niềm xót xa, bi phẫn trước thực trạng đau khổ của con người trong xã hội phong kiến. Đứng từ góc độ sáng tác, Truyện Kiều là “đứa con lai” bởi nó được viết dựa trên cơ sở cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Thế nhưng, từ khi ra đời đến nay, tác phẩm đã nhận được niềm ưu ái lớn lao vô bờ của độc giả. Truyện Kiều đã vượt xa vỏ kén ban đầu mà nó thoát ra, trở thành dấu son trong lịch sử văn học nước nhà, là niềm tự hào không vơi cạn của những người dân đất Việt thân yêu. Hình ảnh người con gái tài sắc nhất thế với chặng đường đời mười lăm năm oan khổ lưu ly nhạt thắm phai đào đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng người đọc. Với tấm lòng nhân đạo cao cả, với “con mắt trông thấu sáu cõi”, “tấm lòng nghĩ đến nghìn đời”, Nguyễn Du đã sáng tạo lại cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân theo cách riêng của mình làm cho Truyện Kiều thực sự trở thành khúc “Đoạn trường tân thanh” làm xót xa cõi lòng bao thế hệ. Trên cơ sở “những điều trông thấy” cùng những suy nghĩ, cảm xúc nóng bỏng trước hiện thực xã hội Việt Nam đương thời, Nguyễn Du đã cảm nhận “Kim Vân Kiều truyện” và sắp xếp lại theo thể nghiệm của mình bằng ngòi bút tràn đầy ưu niệm. Kết hợp với thể thơ lục bát ngọt ngào như ca dao, với ngôn ngữ trong sáng và tinh luyện, Truyện Kiều xứng đáng là viên ngọc toàn bích, lấp lánh nơi đáy lòng không biết bao con người từng yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, từng khát khao kì vọng về tình yêu hạnh phúc ở trên đời…Với Truyện Kiều, tên tuổi Nguyễn Du đã trở thành bất tử trên thi đàn dân tộc.
Truyện Kiều được đánh giá cao trước hết ở giá trị hiện thực sâu sắc. Ai đó cho rằng thơ ca khó phản ánh hiện thực bởi đặc thù của thơ ca là tính trữ tình, cảm xúc. Điều đó không đúng khi nói về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngòi bút sắc sảo của nhà thơ đã miêu tả bộ mặt xã hội với những nhân vật điển hình, có diện mạo và bản chất riêng, có sức sống mãnh liệt, có sức tố cáo mạnh mẽ, có chiều sâu lịch sử và có tính thời sự đối với mọi thời đại. Với Truyện Kiều, bên cạnh tiếng kêu thương đòi quyền sống cho con người, Nguyễn Du đã phơi bày bộ mặt xấu xa tàn bạo của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời và nói lên hiện thực cô độc, mong manh của những kẻ tài sắc.
1. Bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời:
Khác với những nhà thơ khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…khi vấp phải một thực tế cuộc sống không như ý mình mong muốn thì lui về ở ẩn, hoặc vui thú điền viên hoặc hoài niệm về dĩ vãng hòng giữ cho lòng mình được trong sạch, không vướng bụi trần. Nguyễn Du có những nỗi niềm nhớ cổ thương kim nhưng ông không hoàn toàn rút lui khỏi cuộc đời mà vẫn sống gần với hiện thực. “Tư tưởng Nho giáo về chính trị, tấm lòng nhân đạo chủ nghĩa, sự thông cảm với nhân dân, nhất là luồng tư tưởng tiến bộ là luồng quán xuyến cả thời đại đã khiến cho trái tim, khối óc của ông bắt rễ sâu vào hiện thực” (Lê Trí Viễn). Nguyễn Du tuyên bố những điều mình viết là: “những điều trông thấy” (Truyện Kiều), “nhãn kiến” (Trở binh hành), “sở kiến” (Sở kiến hành), “ngã sạ kiến chi” (Thái Bình mại giả ca), “Mục trung sở xúc” (Tỉ Can mộ)…Điều đó chứng tỏ tinh thần hiện thực được ông ý thức rõ ngay trong các tác phẩm của mình.
Bởi thế, Truyện Kiều không phải là tác phẩm được chuyển thể từ văn xuôi sang thơ một cách thuần túy, đó là máu, là nước mắt, là nỗi lòng, là trải nghiệm cay đắng của Nguyễn Du:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
“Không phải là chuyện thương hải tang điền siêu hình mà là một cục thế đã diễn ra, những điều đã được thể nghiệm. Chuyện bể dâu, những điều trông thấy ở đây trước hết gắn liền với sự suy sụp không gì có thể cứu vãn được của xã hội phong kiến đương thời, với nỗi căm giận tuyệt vọng trước sự thối nát của giai cấp thống trị, với nỗi xót xa trước những đau khổ của con người, với những ước mơ hy vọng bừng sáng lên nhưng rồi lại bị dập tắt.” (Lê Đình Kị). Cho dù nhà thơ đã lí giải số phận nàng Kiều bằng một triết lí duy tâm thần bí:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
nhưng trong toàn bộ câu chuyện nhà thơ lại chỉ cho người đọc thấy cội nguồn sâu xa của mọi nỗi đau khổ trong cuộc đời Kiều là thực tại đen tối của xã hội đương thời. Xã hội đó không chỉ bất công, ngang trái mà còn là nơi ngự trị của bao thế lực hắc ám chà đạp con người.
Đầu tiên phải kể đến là thế lực quan lại. Nhắc đến cuộc đời Kiều chúng ta nghĩ đến kiếp nạn “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nhưng còn một nơi mà người con gái đáng thương, tội nghiệp ấy đã hơn một lần phải tới và trở thành nạn nhân, đó là cửa quan. Không ở đâu thế giới quan lại hiện lên sinh động, chân thực, đa dạng như trong tác phẩm Truyện Kiều. Đó là những kẻ đại diện cho bộ máy chính quyền phong kiến, những kẻ được xem là cha mẹ dân, có kẻ chịu trách nhiệm cầm cân nảy mực nhưng lại chính là thủ phạm gây ra biết bao oan khốc đến nỗi sinh li tử biệt cho người dân vô tội. Thế lực đen tối ấy đã phủ bóng đen lên cuộc đời Kiều từ một chuyện tai bay vạ gió. Chỉ một lời xưng xuất của một thằng bán tơ không tên không tuổi, giông tố đã nổi lên giữa cuộc sống yên bình của gia đình họ Vương. Nguyễn Du chỉ nhắc đến thằng bán tơ lơ lửng trong một câu thơ và người đọc thấy rằng những chuyện tai bay vạ gió như thế trong xã hội phong kiến cũng là chuyện thường tình, đâu phải là cá biệt. Bọn sai nha ập vào nhà Vương viên ngoại như một đám cướp, hai cha con họ Vương bị tra tấn tại chỗ trước mặt những người thân, tài sản bị vét sạch sành sanh. Hành động của chúng không phải là hành động của công lí, hay công lí của chúng là công lí của bọn đầu trộm đuôi cướp. Đằng nào cũng vậy. Mỉa mai hơn, “thần công lí” ấy chỉ dịu cơn thịnh nộ khi ngửi thấy có mùi tanh của hơi đồng:
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Không lộ mặt, rõ tên nhưng viên quan đầu tiên này chính là kẻ đã đẩy Kiều – một cô gái trắng trong lương thiện vào nhà chứa, hắn cũng chính là kẻ viết những dòng đầu tiên lên sổ đoạn trường của đời nàng.
Viên quan thứ hai xuất hiện trong Truyện Kiều không đến nỗi quá nhem nhuốc nhưng cũng không phải là người công minh, chính trực. Khi bị Thúc ông cáo giác, Kiều thoát được cuối cùng cũng nhờ cách xử kiện khá “tài tử” của ông quan này:
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lí nhưng trong là tình
Nghĩa là Kiều được hưởng ân huệ đặc biệt chứ lí ra thì:
Một là cứ phép gia hình
Hai là lại cứ lầu xanh phó về
Để tải trọn bộ chỉ với 50k, vui lòng liên hệ qua Zalo 0898666919 hoặc Fb: Hương Trần