20 ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THƯỜNG GẶP
TRONG ĐỀ THI VÀO 1O
1. Dũng cảm
Giải thích:
Có phải chỉ khi có chiến tranh thì chúng ta mới cần có lòng dũng cảm? Nếu nghĩ như vậy có lẽ chúng ta đã hiểu sai về lòng dũng cảm. Dũng cảm đơn giản là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ không hèn nhát, dám đứng lên chống lại cái sai, cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bạo vệ công lí, bảo vệ lẽ phải.
Phân tích, chứng minh:
Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người trong mọi thời đại. trong chiến tranh có biết bao nhiêu tấm gương dũng cảm đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc.
Lòng dũng cảm đã thôi thúc anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo hay lòng dũng cảm đã khiến anh hùng Phan Đình Giót rướn cả tấm ngực thanh xuân của mình để bịt kín lỗ châu mai của địch. Ngày nay, trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm, các chiến sĩ công an cũng không ngại hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc sống hàng ngày cũng có bao nhiêu tấm gương dũng cảm cứu người bị nạn. Chúng ta còn nhớ Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An) đã hề đắn đo nhảy xuống dòng nước cứu được 5 em nhỏ. Nhưng tiếc thay, tuổi đời của chàng trai ấy mãi mãi dừng lại ở độ tuổi 18, độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời.
Bình luận:
Ngày nay, khi vấn đề tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp thì lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển thật đáng trân trọng. Họ đề cao nhiệm vụ của tổ quốc hơn tình cảm gia đình. Ngày đêm họ vẫn đang bám biển để bảo về chủ quyền của dân tộc.
Phản đề: có những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với những hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Chúng ta cũng cần phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Bài học và liên hệ bản thân:
Chúng ta cần rèn luyện lòng dũng cảm ngay từ việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Cần biết nói lời xin lỗi, biết sửa sai với bạn bè thầy cô và dám chỉ ra khuyết điểm của bạn, giúp bạn sửa sai. Chúng ta còn có trách nhiệm rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy nó như một truyền thống quý báu của dân tộc. Chúng ta cũng cần nhận ra rằng: lòng dũng cảm có một sức mạnh cực kì lớn. Nó là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của con người. Nó là gốc rễ của sự bứt phá, nó là động lực để vượt lên chính bản thân mình.
2. Lòng tự trọng:
Anh chị hãy viết 1 đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về lòng tự trọng.
Giải thích:
Lòng tự trọng là phẩm chất đạo đức cần có trong mỗi con người. Lòng tự trọng chính là tự ý thức được suy nghĩ, hành động của bản thân mình có phù hợp với xã hội với thước đo nhân cách hay không. Tự trọng còn là việc tự biết được giá trị bản thân mình để không làm những việc xấu hổ với lương tâm.
Phân tích chứng minh:
Có lòng tự trọng con người sẽ luôn luôn trau dồi bản thân, hoàn thiện nhân cách. Nếu chúng ta ý thức được điều này mà cố gắng hoàn thiện bản thân mình thì chắc chắn sẽ trở thành người tốt, được mọi người yêu quý, kính trọng. Trong cuộc sống lòng tự trọng thể hiện ở những việc nhỏ nhất như: không quay cóp trong thi cử, luôn tự giác ý thức trong việc học và sống theo phương châm “ đói cho sạch rách cho thơm”. Sống tự trọng mỗi người sẽ cảm nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn. Con người cũng vì thế mà hướng thiện, luôn làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho những người xung quanh.
Bình luận:
Tuy nhiên trong xã hội tồn tại không ít những người đánh mất lòng tự trọng làm những việc trái với đạo đức, với lương tâm như: gian lận, sống kiếp sống tầm gửi, gian dối. Biết bao nhiêu vụ án bắt nguồn từ sự sống vội sống cẩu thả, coi thường đạo đức. Lê Văn Luyện dù có sống bao nhiêu năm trong tù cũng không tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn khi giết chết cả gia đình trẻ để cướp của. Các bạn trẻ tìm mọi cách để nổi tiếng, thậm chí bán rẻ cả nhân cách của mình.
Bài học liên hệ bản thân: Là thế hệ trẻ chủ nhân của đất nước cần ý thức được lòng tự trọng của mình và cố gắng giữ gìn, phát huy nó để hoàn thiện nhân cách trở thành người công dân có ích cho xã hội. Trong xã hội hiện nay, lòng tự trọng luôn là thước đo để đánh giá nhân cách con người. vì thế chúng ta cần sống thật, sống có giá trị.
3. Lòng nhân ái bao dung:
Em hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn luận về ý kiến: “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người” ( Steve Godier)
Giải thích: Lòng nhân ái cần được nuôi dưỡng và phát triển hàng ngày. Trong xã hội hiện đại càng cần có những tấm lòng nhân ái. Vậy nhân ái là gì? Đó chính là tình yêu thương giữa con người với con người. Lòng nhân ái là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không có ý vụ lợi, là trao đi yêu thương vô điều kiện.
Phân tích, chứng minh: Có thể ví lòng nhân ái giống như chiếc cầu nối những tâm hồn với nhau, giúp những người xa lạ có thể xích lại gần nhau. Từ ngàn xưa cha ông ta đã đúc kết thành những kinh nghiệm sống quý báu: “lá lành đùm lá rách”, “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “ Thương người như thể thương thân”.. từ đó mà lòng nhân ái trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong chiến tranh, chính tình yêu thương đã làm nên sức mạnh dân tộc để đánh thắng những kẻ thù sừng sỏ nhất. Ngày nay , đất nước hòa bình nhưng vẫn còn có bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ cần chúng ta chung tay giúp sức. Mỗi năm bão lũ qua đi, biết bao nhiêu gia đình không nhà không cửa nếu không nhờ đến sự chung tay giúp đỡ của mọi người thì không biết đến khi nào họ mới trở lại cuộc sống bình thường. Lòng nhân ái không chỉ giúp họ khắc phục khó khăn mà cò khiến trái tim chúng ta rộng mở. Bởi thế phật pháp mới có câu: “cứu một mạng người xây bảy tòa tháp” .
Bình luận: Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người sống với thái độ vô cảm, ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân, chỉ lo đến quyền lợi cá nhân. Họ không quan tâm đến những người xung quanh. Họ thờ ơ với nỗi đau của chính đồng loại của mình. Nhưng cũng có những người lợi dụng lòng tốt của mọi người để tư lợi cá nhân. Đó là thái độ sống cần phê phán và lên án gay gắt.