SỰ GIẢN DỊ
1)Hình ảnh ‘Bếp lửa’ in đậm trong tâm trí người cháu nỗi nhớ về người bà yêu quý
-Từ “bếp lửa”, đứa cháu nghĩ về ‘ngọn lửa’. ‘ Bếp lửa bà nhen’ sớm sớm chiều chiều đã sáng bừng lên thành ngọn lửa của tình thương ‘ luôn ủ sẵn’, ngọn lửa của niềm tin vô cùng “dai dẳng”, bền bỉ và bất diệt. Cùng với hình tượng “ngọn lửa”, các từ ngữ chỉ thời gian: “rồi sớm rồi chiều”, các động từ: “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí, bản lĩnh sống của bà, cũng là của người phụ nữ Việt Nam dưới thời loạn lạc. Điệp ngữ “một ngọn lửa” và kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động, tự hào.
- Tám câu thơ tiếp theo là những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ, của đứa cháu về người bà yêu kính, về bếp lửa trong mỗi gia đình Việt Nam chúng ta. Cuộc đời bà nhiều “lận đận”, trải qua nhiều “nắng mưa”, vất vả. Bà cần mẫn lo toan, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Vần thơ chứa đựng bao nghĩa nặng tình sâu. Điệp từ “nhóm” trong 4 câu thơ có điểm chung là cùng gắn với hoạt động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: Khi thì nhóm bếp lửa “ấp iu nồng đượm” để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh của sương sớm. Đến câu tiếp theo thì vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình thương vô hạn của bà. Lòng bà còn mở rộng hơn cùng với “nồi sôi gạo mới” là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi. Và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa chuyển: “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Tâm hồn và khát vọng tuổi thơ đã sáng bừng lên từ ngọn lửa do bà “nhóm” suốt mấy chục năm trời.
- Chính từ đó, theo mặt suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên và hợp lí: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Đúng vậy, vì bếp lửa thật giản dị, bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, “kì lạ” và “thiêng liêng”. Thiêng lieng vì được bà nhen lúc sớm nhọc nhằn, khi chiều vất vả, vì bà đã nhóm ngọt bùi bao yêu thương trong khoai sắn cho cháu và nhóm niềm vui chung nồi xôi gạo mới san sẻ với mọi người. Kì lạ vì bà nhen lên bằng ngọn lửa trong lòng “luôn luôn ủ sẵn”, vì ngọn lửa thắp bằng năng lượng của “niềm tin dai dẳng” và rồi lại thắp sáng hơn cho “tâm tình tuổi nhỏ”. Vì thế, nó luôn gắn liền với bà – người giữ lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ của cháu. Bếp lửa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.
- Có thể nói, bằng lối tự sự nhẹ nhàng, sâu lắng kết hợp với miêu tả tinh tế, sử dụng các biện pháp điệp từ, từ láy linh hoạt, hình ảnh “Bếp lửa” giàu ý nghĩa, cùng với nét thơ sáng tạo, nhà thơ Bằng Việt đã khắc họa nên điều giản dị mà vô cùng thiêng liêng về tình cảm bà cháu.
2) Ước nguyện giản dị của Thanh Hải muốn cống hiến thầm lặng cho đời:
- Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nứng vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên song thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa tỏa ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người. Đổi đại từ nhân xưng từ “tôi” thành “ta”. Điệp từ “ta làm” làm cho thơ thêm mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện quyết tâm hòa nhập với cộng đồng của tác giả - hòa nhập cái tôi cá nhân vào niềm tin chung, vào cuộc sống mới của dân tộc. Đại từ nhân xưng “ta” vừa chỉ số ít vừa chỉ số nhiều, vừa chỉ cái riêng vừa chỉ cái chung. “Ta” ở đây có thể là nhà thơ và cũng có thể là mọi người. Tác giả đã khéo léo sử dụng những tiếng có vần bằng âm mở: “ta”, “hoa”, “ca” làm tăng sức gợi cho ý thơ. Hình ảnh “con chim hót, cành hoa, nốt trầm” là những hình ảnh tự nhiên đẹp, giản dị, cách cấu từ lặp lại tạo ra sự đối ứng chặt chẽ, bày tỏ ước mong được cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên. Hình ảnh nốt trầm xao xuyến: “nốt trầm”: nốt nhạc thấp, hòa trong bè, chỉ làm nền cho bài hát, nốt trầm ấy rất nhẹ nhàng, không dễ nhận ra được, nhưng “nốt trầm” ấy khiến người nghe phải xao xuyến.
- Từ láy “ xao xuyến” cùng với phép ẩn dụ đã giúp cho nhà thơ khiêm tốn thấy những đóng góp của mình cho đất nước chỉ là nhỏ bé nhưng rất đỗi chân thành. Khổ thơ mang một thông điệp mà tác giả muốn nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay và mai sau: Mỗi người phải mang đến cho cuộc đời chung một nét riêng, cái phần tinh túy nhất của mình. Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh túy nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác. “ Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ, bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây “ Mùa xuân” lại có khối, có hình, một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn. Nó gợi mùa xuân cụ thể trong hình ảnh bông hoa, tiếng chim, nhưng chủ yếu là theo nghĩa ẩn dụ. Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ nói về khát vọng, một lẽ sống, lý tưởng sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường góp sức mình làm đẹp thêm màu xuân đất nước. Điệp từ “ dù là” đặt ở đầu câu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định, vừa là lời nhắc nhở phải kiên định, phải có khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Không khoe khoang, không ồn ào, khoa trương mà chỉ lặng lẽ âm thầm, tự nguyện dâng hiến.
-Viết theo thể thơ 5 chữ nhẹ nhàng, tha thiết, mang âm hưởng gần gũi với dân ca, đoạn thơ đã thể hiện khát vọng được cống hiến cho đất nước, cuộc đời. Khát vọng ấy được làm nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa giữa những hình ảnh tự nhiên, giản dị và những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát, ngôn ngữ thơ trong sáng, gợi tả, gợi cảm, phát huy triệt để giá trị các hình thức điệp và các biện pháp tu từ khác như so sánh, ẩn dụ,…