Để quá trình tiếp thu kiến thức mới trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả nhất, trước khi bắt đầu bài học mới các em cần có sự chuẩn bị nhất định qua việc tổng hợp nội dung kiến thức lý thuyết trọng tâm, sử dụng những kiến thức hiện có thử áp dụng giải các bài tập SGK, trả lời câu hỏi liên quan. Dưới đây chúng tôi đã soạn sẵn sinh học 11 Bài 11: Điện thế nghỉ (ngắn gọn nhất), giúp các em tiết kiệm thời gian. Nội dung chi tiết được chia sẻ dưới đây.
1. Bài 11: Điện thế nghỉ
1.1. Trả lời câu hỏi SGK
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 28 trang 114:
Quan sát hình 28.1 và cho biết cách đo điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh mực ống.
Lời giải:
Cách đo điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh mực ống:
Để đo điện thế nghỉ trên tế bào thần kinh mực ống ta sử dụng máy đo điện thế cực nhạy gồm có 2 điện cực. Đặt điện cực thứ nhất của máy đo điện thế lên mặt ngoài của màng tế bào, còn điện cực thứ hai thì đâm xuyên qua màng tế bào, đến tiếp xúc với tế bào chất.
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 28 trang 115:
Nghiên cứu bảng 28 và hình 28.2, sau đó trả lời các câu hỏi sau:
- Ở bên trong tế bào, loại ion dương nào có nồng độ cao hơn và loại ion dương nào có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào?
- Loại ion dương nào đi qua màng tế bào và nằm lại sát mặt ngoài màng tế bào làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm?
Lời giải:
- Ở bên trong tế bào:
+ Ion K+ có nồng độ cao hơn so với bên ngoài tế bào.
+ Ion Na+ có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào.
- Ion K+ đi qua màng tế bào và nằm sắt mặt ngoài màng tế bào làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm.
1.2. Giải bài tập SGK
Bài 1 (trang 116 SGK Sinh 11):
Điện thế nghỉ là gì? Điện thế nghỉ được hình thành như thế nào?
Lời giải:
- Điện thế nghỉ là sự chênh lệch về điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía bên trong màng mang điện âm so với phía ngoài màng mang điện dương.
- Sự hình thành điện thế nghỉ:
+ Nồng độ ion K+ ở bên trong màng tế bào cao hơn bên ngoài màng tế bào, nồng độ ion Na+ ở bên ngoài màng tế bào cao hơn ở bên trong màng tế bào.
+ Trên màng tế bào: cổng K+ mở, cổng Na+ đóng, ion K+ ở mặt trong màng di chuyển ra bên ngoài màng và nằm sát màng tế bào làm cho mặt ngoài màng tế bào tích điện dương, mặt trong màng tế bào tích điện âm.
+ Bơm Na - K vận chuyển K+ từ bên ngoài màng vào bên trong màng, giúp duy trì nồng độ K+ bên trong màng cao hơn bên ngoài màng .
Bài 2 (trang 116 SGK Sinh 11):
Đánh dấu X vào ô ▭ cho ý trả lời đúng về điện thế nghỉ.
Mặt ngoài của màng tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi (không hưng phấn) tích điện:
▭ A - dương.
▭ B - âm.
▭ C - trung tính.
▭ D - hoạt động.
Lời giải:
Đáp án: A.
1.3. Bộ câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1. Điện thế nghỉ được hình thành chủ yếu do sự phân bố ion
A. Đồng đều, sự di chuyển của ion và tính thấm có chọn lọc của màng tế bào với ion
B. Không đều, sự di chuyển của ion và tính thấm không chọn lọc của màng tế bào với ion
C. Không đều, sự di chuyển của ion theo hướng đi ra và tính thấm có chọn lọc của màng tế bào với ion
D. Không đều, sự di chuyển của ion theo hướng đi vào và tính thấm có chọn lọc của màng tế bào với ion
Đáp án: C
Câu 2. Trạng thái điện thế nghỉ, ngoài màng mang điện thế dương do
A. Na+ khi ra ngoài màng bị lực hút tĩnh điện ở phía trong của màng nên nằm sát màng
B. K+ khi ra ngoài màng bị lực hút tĩnh điện ở phía trong của màng nên nằm sát màng
C. K+ khi ra ngoài màng tạo cho ở phía trong của màng mang điện tích âm
D. K+ khi ra ngoài màng nên nồng độ của nó cao hơn ở phía trong của màng
Đáp án: B
Câu 3. Cho các trường hợp sau:
(1) Cổng K+ và Na+ cùng đóng
(2) Cổng K+ mở và Na+ đóng
(3) Cổng K+ và Na+ cùng mở
(4) Cổng K+ đóng và Na+ mở
Trong những trường hợp trên, trường hợp nào không đúng khi tế bào ở trạng thái nghỉ ngơi là
A. (1), (3) và (4) B. (1), (2) và (3)
C. (2) và (4) D. (1) và (2)
Đáp án: A
Câu 4. Điện thế nghỉ là sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào
A. Không bị kích thích, phía trong màng mang điện dương và phía ngoài màng mang điện âm
B. Bị kích thích, phía trong mang mang điện dương và phía ngoài màng mang điện âm
C. Không bị kích thích, phía trong màng mang điện âm và phía ngoài màng mang điện dương
D. Bị kích thích, phía trong màng mang điện âm và phía ngoài màng mang điện dương
Đáp án: C
Câu 5. Ở điện thế nghỉ, nồng độ K+ và Na+ giữa phía trong và phía ngoài màng tế bào như thế nào?
A. Ở trong tế bào, K+ có nồng độ thấp hơn và Na+ có nồng độ cao hơn so với bên ngoài tế bào
B. Ở trong tế bào, nồng độ K+ và Na+ cao hơn so với bên ngoài tế bào
C. Ở trong tế bào, K+ có nồng độ cao hơn và Na+ có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào
D. Ở trong tế bào, K+ và Na+ có nồng độ thấp hơn so với bên ngoài tế bào
Đáp án: C
Câu 6. Để duy trì điện thế nghỉ, bơm Na - K hoạt động như thế nào?
A. Vận chuyển K+ từ trong tế bào ra ngoài tế bào giúp duy trì nồng độ K+ sát phái ngoài màng tế bào luôn cao và tiêu tốn năng lượng
B. Vận chuyển K+ từ ngoài tế bào vào trong tế bào giúp duy trì nồng độ K+ ở trong tế bào luôn cao và không tiêu tốn năng lượng
C. Vận chuyển K+ từ ngoài tế bào vào trong tế bào giúp duy trì nồng độ K+ ở trong tế bào luôn cao và tiêu tốn năng lượng
D. Vận chuyển Na+ từ trong tế bào ra ngoài tế bào giúp duy trì nồng độ Na+ sát phía ngoài màng tế bào luôn thấp và tiêu tốn năng lượng
Đáp án: C
Câu 7. Để duy trì điện thế nghỉ, bơm Na - K chuyển
A. Na+ từ ngoài tế bào vào trong tế bào
B. Na+ từ trong tế bào ra ngoài tế bào
C. K+ từ trong tế bào ra ngoài tế bào
D. K+ từ ngoài tế bào vào trong tế bào
Đáp án: D
1.4. Lý thuyết trọng tâm
Mọi tế bào trong cơ thể đều có khả năng hưng phấn. Hưng phấn là sự biến đổi lí hóa xảy ra trong tế bào khi bị kích thích. Một số chỉ số quan trọng để đánh giá tế bào, mô hưng phấn hay không hưng phấn là điện tế bào. Điện tế bào bao gồm điện thế nghỉ và điện thế hoạt động.
I. KHÁI NIỆM ĐIỆN THẾ NGHỈ
- Điện thế nghỉ ở tế bào đang nghỉ ngơi, không kích thích.
Ví dụ : Điện thế nghỉ có ở tế bào cơ đang dãn nghỉ, ở tế bào thần kinh khi không bị kích thích
- Điện thế nghỉ là sự chênh lệch điện thế giữa hai bên màng tế bào khi tế bào không bị kích thích, phía bên trong màng mang điện âm so với phía bên ngoài mang điện dương.
- Trị số điện thế nghỉ của tế bào thần kinh khổng lồ của mực ống là – 70mV ; của tế bào nón trong mắt ong mật là – 50mV.
II. CƠ CHẾ HÌNH THÀNH ĐIỆN THẾ NGHỈ
Điện thế nghỉ hình thành chủ yếu do 3 yếu tố sau đây :
- Nồng độ ion kali bên trong cao hơn bên ngoài tế bào
- Các cổng kali mở nên các K+ ở sát màng tế bào đồng loạt đi từ trong ra ngoài tế bào và tập trung ngay sát mặt ngoài màng tế bào, làm cho mặt ngoài màng tích điện dương so với mặt trong màng tích điện âm.
- Bơm Na – K vận chuyển K+ từ phía bên ngoài trả vào phía bên trong màng tế bào giúp duy trì nồng độ K+ bên trong tế bào cao hơn bên ngoài tế bào.
►►Tải free hướng dẫn Soạn sinh 11 Bài 11: Điện thế nghỉ (ngắn gọn nhất) có file word, pdf tại đường link dưới đây:
Hướng dẫn Soạn sinh 11 Bài 11: Điện thế nghỉ (ngắn gọn nhất) file DOC
Hướng dẫn Soạn sinh 11 Bài 11: Điện thế nghỉ (ngắn gọn nhất) file PDF
Hy vọng tài liệu sẽ hữu ích cho các em học sinh và quý thầy cô giáo tham khảo và đối chiếu đáp án chính xác.
►Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn sinh học như đề kiểm tra học kì, 1 tiết, 15 phút trên lớp, hướng dẫn giải sách giáo khoa, sách bài tập được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.