PHẦN II: VĂN BẢN
(ÔN TẬP VĂN BẢN KẾT HỢP VỚI TẬP LÀM VĂN)
Chủ đề: CÁC TÁC PHẨM TRUYỆN TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
A. MẤY NÉT KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI:
I. Khái niệm về văn học trung đại: Văn học trung đại là một cách gọi tên mang tính qui ước, một giai đoạn mà văn học hình thành và phát triển trong khuôn khổ của nhà nước phong kiến Việt Nam, được xác định từ thế kỷ X (dấu mốc cho sự ra đời của nhà nước phong kiến Việt Nam đầu tiên) đến hết thế kỷ XIX.
II. Vị trí, vai trò của văn học trung đại:
- Vị trí, vai trò rất quan trọng, bởi đây là mốc đầu tiên, chặng đường đầu tiên của văn học.
- Nội dung tư tưởng của văn học trung đại có tính chất bao trùm của nền văn học dân tộc.
III. Các giai đoạn của văn học trung đại: Văn học trung đại có 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1: Từ thế kỷ X -> thế kỷ XV.
- Tác phẩm tiêu biểu: Nam Quốc Sơn Hà, Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo.
- Văn học thời kỳ này phần lớn hướng về tư tưởng trung quân ái quốc, phục vụ cho các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước vì vậy mang đậm tình yêu nước, khí phách hào hùng và lòng tự hào dân tộc.
2. Giai đoạn 2: Từ thế kỷ XVI -> Nửa đầu thế kỷ XVIII
- Tác phẩm tiêu biểu: Truyền kỳ mạn lục( Nguyễn Dữ), Luận pháp học ( Nguyễn Thiếp)
- Các tác phẩm vẫn chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, tuy chưa có lối đi riêng nhưng cũng đã đề cao được ý thức dân tộc, bắt đầu ca ngợi cuộc sống, đạo lý con người.
3. Giai đoạn 3: Từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX.
- Tác phẩm tiêu biểu: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên ( Nguyễn Đình Chiểu), thơ Hồ Xuân Hương...
- Văn học thời kì này phát triển mạnh mẽ, có nhiều sự chuyển bến lớn, nhằm thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của văn họcTrung Quốc, tạo nên đặc trưng riêng của văn học dân tộc. Hầu hết các tác phẩm thời kỳ này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; thể loại cũng phong phú hơn .
4. Nội dung văn học trung đại.
- Phản ánh khí phách hào hùng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc
- Phản ánh lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, đòi quyền sống, quyền làm người...
- Tố cáo chế độ phong kiến đương thời bất công, tàn bạo...
B. MỘT SỐ TÁC PHẨM ĐÃ HỌC
Bài 1: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
( Trích: Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ )
I. GIỚI THIỆU CHUNG
1. Tác giả:
- Nguyễn Dữ (?-?), quê ở huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện - tỉnh Hải Dương.
- Theo các tài liệu để lại, ông còn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Sống trong cảnh chế độ phong kiến mục nát, Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi lui về ở ẩn. Đó là hình thức bày tỏ thái độ chán nản trước thời cuộc của một trí thức tâm huyết nhưng sinh ra không gặp thời.
2. Tác phẩm:
a. Truyền kì mạn lục: Là ghi chép tản mạn về những điều kì lạ vẫn được lưu truyền. Viết bằng chữ Hán, được xem là “Thiên cổ kì bút” ( áng văn hay ngàn đời ). Gồm 20 truyện, với đề tài phong phú. Nhân vật trong truyện: Nhân vật chính thường là những người phụ nữ đức hạnh, khao khát sống cuộc sống yên bình , hạnh phúc, nhưng lại bị những thế lực tàn bạo và lễ giáo phong kiến nghiệt ngã đẩy họ vào những cảnh ngộ éo le, bi thương, bất hạnh vì oan khuất. Hoặc một kiểu nhân vật khác, những trí thức tâm huyết với cuộc đời nhưng bất mãn với thời cuộc, không chịu trói mình trong vòng danh lợi,sống ẩn dật để giữ được cốt cách thanh cao.
b. Văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương là truyền thứ 16, có nguồn gốc từ một truyện cổ tích Việt Nam có tên là: Vợ chàng Trương.
II. TÌM HIỂU VĂN BẢN
1. Tóm tắt truyện:
- Vũ Nương là người con gái thuỳ mị nết na, lấy Trương Sinh (người ít học, tính hay đa nghi và phòng ngừa quá mức).
- Trương Sinh phải đi lính chống giặc Chiêm. Vũ Nương sinh con, chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Mẹ chồng ốm rồi mất. Nàng lo ma chay, tế lễ chu toàn.
- Trương Sinh trở về, nghe câu nói ngây thơ của con trẻ và nghi ngờ vợ. Vũ Nương bị oan nhưng không thể minh oan, đã tự tử ở bến Hoàng Giang, được Linh Phi cứu giúp.
- Ở dưới thuỷ cung, Vũ Nương gặp Phan Lang (người cùng làng). Phan Lang được Linh Phi giúp trở về trần gian - gặp Trương Sinh, Vũ Nương được giải oan - nhưng nàng không thể trở về trần gian.
2. Nhân vật Vũ Nương là người phụ nữ đức hạnh mà bất hạnh.
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
- Hai câu thơ quen thuộc trong: Truyện Kiều của Nguyễn Du là một lời tổng kết vô cùng xác đáng cho cuộc đời, thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công, oan trái.
- Cùng với đề tài này, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là tác phẩm nổi tiếng của văn xuôi trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVI – XVII
a. Vũ Nương là người phụ nữ đức hạnh:
- Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” => Tạo ấn tượng về một chân dung phụ nữ hoàn hảo.
- Sau đó, đi sâu miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trong các mối quan hệ khác nhau, trong các tình huống khác nhau:
a.1. Trước hết, Vũ Nương là người phụ nữ thuỷ chung, son sắc trong tình nghĩa vợ chồng:
- Lúc mới lấy chồng: Trong cuộc sống vợ chồng, biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Nàng luôn giữ cho tình cảm gia đình đầm ấm, yên vui => Nàng là một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực!
- Lúc tiễn chồng đi lính: Khi đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải đầu quân ra trận. Trong buổi tiễn chồng, Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong ... thế là đủ rồi” => Ước mong của nàng thật bình dị, chứng tỏ nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình, không mong danh hiển.
- Lúc xa chồng ( chồng đi lính): Nàng cảm thông trước những nỗi vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng; nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ chồng của mình