TỰ TÌNH II_ Hồ Xuân Hương
Nhà phê bình văn học Hegel đã từng nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do, không bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài. Thay vì thế nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tác giả và cảm xúc”. Đúng vậy, văn chương đích thực phải là thứ văn chương “chín đủ cảm xúc” (Xuân Diệu), là thứ văn chương mà khi đọc lên ta như thấy được cả thế giới tâm hồn, tình cảm của người cầm bút, và cũng là thứ văn khi ta gấp lại mà trong lòng vẫn mãi bâng khuâng. Tự tình II của Hồ Xuân Hương là một kiểu văn như thế. Nó gói gọn nỗi lòng, tâm trạng của nữ thi sĩ trước duyên phận éo le, ngang trái của bản thân, cũng như nói lên tiếng lòng của biết bao người phụ nữ phong kiến trong cái cảnh làm lẽ hay góa chồng, qua đó khiến người đọc không khỏi xót xa, nghẹn ngào.
Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ hiếm hoi và nổi bật nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Bà là người đa tài, đa tình và có quan hệ rộng nhưng con đường tình duyên lại vô cùng oan trái.Chính vì thế bà đã gửi hết những tâm tư, tình cảm của mình vào con chữ, vần thơ. Thơ của bà là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, với giọng văn trào phòng mà hết sức trữ tình và đậm đà chất văn học dân gian. Một trong những thi phẩm đặc sắc của Hồ Xuân Hương không thể không kể đến Tự tình II. Tự tình II được bà viết khi bước vào tuổi xế chiều, sau hai lần đò mà đều dang dở, với thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật.
Bước vào hai câu đề của bài thơ, ta sẽ cảm nhận được nỗi niềm cô đơn, sầu tủi của nhân vật trữ tình hay cũng chính là của Hồ Xuân Hương:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Trước không gian và thời gian nghệ thuật “Đêm khuya”, bước đi của thời gian lúc này chậm chạp, nặng nề hơn bao giờ hết, làm cho lòng người cũng nặng trĩu với bao nhiêu tâm sự. Trong cái tĩnh mĩch, u tịch của màn đêm, tiếng trong canh dồn dập, gấp gáp “văng vẳng” tạo nên cái âm thanh mờ nhạt, mơ hồ, càng làm khắc khoải tâm trạng cô đơn, rối bời như tơ vò của nữ sĩ. “Hồng nhan” là để chỉ người con gái đẹp, nhưng lại kết hợp với từ “cái” làm cho vẻ đẹp ấy bỗng chốc hóa thành vật tầm thường rẻ rúng, qua đó thể hiện sự chua chát của bà trước số phận hẩm hiu, bị coi thường trong xã hội cũ. Thủ pháp đối giữa “cái hồng nhan” với “nước non” càng tô đậm thêm thân phận nhỏ bé, mỏng manh của người phụ nữ trước không gian mênh mông, rộng lớn. Không gian bao la ấy cũng từng xuất hiện trong nhiều bài thơ khác của Hồ Xuân Hương như “bảy nổi ba chìm với nước non” trong Bánh trôi nước, có thể thấy rằng Hồ Xuân Hương ý thức được thân phận bản thân với cuộc đời. Nghệ thuật đảo ngữ cùng với nhịp thơ 1/3/3, từ “trơ” càng làm nhấn mạnh sự cô đơn, buồn tủi, bẽ bàng của nhân vật trữ tình. Nhưng không chỉ như vậy, từ “trơ” ở đây còn là tâm thế ngạo nghễ, thách thức trước không gian và thời gian. Hai câu đề khép lại cho ta cùng đồng cảm trước nỗi cô đơn, tủi hổ của nhân vật trữ tình.
Chuyển sang hai câu thực, người đọc sẽ cảm nhận được sự phiền muộn và nỗi đau thân phận của người phụ nữ:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Trong màn đêm u tịch, cô đơn ấy, người phụ nữ buồn tủi tìm đến rượu như cách để lẩn trốn nỗi buồn. Tưởng uống rượu vào sẽ quên hết đi bao sầu muộn nhưng trớ trêu thay càng uống lại càng tỉnh, càng tỉnh lại càng nhận thức được nỗi đau thực tại. “Say lại tỉnh” gợi lên cái vòng tròn lẩn quẩn không lối thoát, “cuộc rượu say rồi tỉnh cũng như cuộc tình vướng vít cũng nhanh tan”. Hình ảnh “vầng trăng bóng xế” có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ hơn tả thực, trăng bóng xế-đang tàn hay cũng chính là người phụ nữ tuổi đã ngả chiều, nhưng vẫn “khuyết chưa tròn”, sau hai lần đò mà vẫn dở dang, chưa trọn vẹn. Chính vì thế bà cũng mượn vầng trăng tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy để mong cầu, khát khao được hạnh phúc.
Trước khát vọng ấy, Hồ Xuân Hương thể hiện thái độ phản kháng, thách thức số phận qua hai câu luận:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh như “xiên ngang, đâm toạc” và đảo ngữ đặt lên đầu câu để nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của tự nhiên, hay cũng chính là sự phẫn uất, phản kháng của lòng người để thoát khỏi bi kịch má hồng. “Rêu” và “đá” vốn là những vật bình thường, nhỏ bé nhưng được nhân hóa trở nên cựa quậy, sống dậy mãnh liệt. Chỉ với hai cậu luận nhưng ta cũng có thể thấy được cá tính, bản lĩnh của Hồ Xuân Hương qua cái “ngông” trong thơ của bà.
Sang hai câu kết, nhà thơ quay lại thực tại với tâm trạng chán chường, ngậm ngùi trước số phận:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Bà ngán ngẩm, chán chường, mệt mỏi trước duyên phận éo le, bạc bẽ với người con gái tài hoa. Mùa xuân của thiên nhiên thì tuần hoàn, vĩnh cửu, nhưng “tuổi xuân” của một con người thì qua đi mà chẳng bao giờ quay trở lại. Sự trở lại của mùa xuân lại là sự ra đi của tuổi xuân, nữ sĩ cảm nhận sự chảy trôi của thời gian, của đời người với bao xót xa, nuối tiếc. Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến trong câu “Mảnh tình san sẻ tí con con!” nhấn mạnh sự nhỏ bé dần của cuộc tình, mảnh tình đã bé lại còn san sẻ, càng bé hơn. Đọc hai câu thơ, độc giả như thấm trong từng câu chữ là tâm trạng xót xa của người con gái “hồng nhan bạc mệnh”, qua hai lần đò đều không viên mãn, bị ép gả cho ông Tổng Cóc góa vợ, hay làm lẽ cho ông Phủ Vĩnh Tường :
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
(Lấy chồng chung)
Khép lại Tự tình II, những ẩn sâu trong từng con chữ không chỉ là sự tuyệt vọng, xót xa, mà còn là sự ngông nghênh, thách thức, bản lĩnh của một người phụ nữ mạnh mẽ dám đương đầu với chế độ phong kiến hà khắc, với bao lễ giáo ràng buộc, áp đặt lên người phụ nữ. Tự tình II của Hồ Xuân Hương không chỉ thành công ở phương diện nội dung mà còn ở góc độ nghệ thuật. Cách sử dụng từ ngữ của Hồ Xuân Hương hết sức giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo nhưng cũng không kém phần tinh tế đã góp phần tạo nên tính đa thanh của tác phẩm: khi thì tủi hổ phiền muộn, lúc phản kháng bực dọc, khi lại chua chát chán chường nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan hy vọng. Ngoài ra tác giả còn sử dụng những vế tiểu đối như “hồng nhan” – “nước non” hay phép tăng tiến,… Với những nét đặc sắc về