Ý NGHĨA TÌNH HUỐNG TRUYỆN NGỮ VĂN 9
………………………………………………………
1. Truyện ngắn “Làng” - Kim Lân:
Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống rất gay cấn. Ông Hai vốn rất yêu
làng, lúc nào cũng tự hào và khoe khoang về ngôi làng của mình với sự giàu có và tinh thần kháng
chiến. Nhưng đột nhiên ông nhận được tin sét đánh ngang tai từ những người tản cư - làng ông theo
Tây, làm Việt gian. Ông vô cùng đau đớn tủi hổ và nhục nhã. Cách tạo tình huống như vậy nhà văn Kim
Lân muốn làm nổi bật lòng yêu làng gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của người
nông dân Việt Nam thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
2. Truyện ngắn
“Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long:
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa có tình huống rất đơn giản. Câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc gặp
gỡ tình cờ giữa nhân vật anh thanh niên với ông hoạ sĩ già và cô kỹ sư trẻ diễn ra trong vòng ba mươi
phút trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng đã để lại trong lòng
mỗi nhân vật những ấn tượng sâu sắc về lí tưởng và mục đích sống. Cách tạo tình huống như vậy nhà
văn Nguyễn Thành Long muốn làm nổi bật hình ảnh những con người đang lao động âm thầm lặng lẽ,
đầy trách nhiệm để cống hiến hết mình cho đất nước, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền
Bắc những năm 70 của thế kỷ XX.
3. Truyện ngắn
“Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng:
Tình huống của truyện ngắn Chiếc lược ngà thật éo le. Anh Sáu sau tám năm xa nhà đi kháng
chiến, chuyến nghỉ phép thăm quê trước khi chuyển đơn vị này với anh thật ý nghĩa bởi anh sẽ được gặp
con - đứa con gái duy nhất anh chưa từng gặp mặt. Nhưng bé Thu đã không nhận ra anh là cha. Ngày
anh ra đi cũng là lúc bé Thu nhận anh là cha. Ở chiến khu lúc nào anh cũng nhớ về con, anh dồn hết tâm
lực vào việc tạo ra cây lược ngà để tặng con. Nhưng anh chưa kịp trao chiếc lược cho con thì anh đã hy
sinh trong một trận càn của giặc Mỹ. Tạo tình huống như vậy Nguyễn Quang Sáng muốn ca ngợi tình
cảm cha con sâu nặng của anh Sáu và bé Thu trong hoàn cảnh éo le, và cũng là lời lên án tố cáo tội ác
của chiến tranh đã gây ra cho bao gia đình Việt Nam.
4. Truyện ngắn
“Bến quê” - Nguyễn Minh Châu:
Tình huống của truyện ngắn Bến quê đầy trớ trêu nghịch lí: Nhĩ làm một công việc đã tạo điều
kiện cho anh đi khắp mọi nơi trên trái đất. Nhưng về cuối đời, anh mắc phải một căn bệnh quái ác - liệt
toàn thân. Bệnh tật đã hành hạ anh hàng năm trời, tất cả mọi sinh hoạt của anh dều phải nhờ vào vợ con
và những đứa trẻ hàng xóm. Nằm trên giường bệnh, qua ô cửa sổ nhà mình, Nhĩ đã nhận ra được vẻ đẹp
lạ lùng của bãi bồi bên kia sông, nhận ra được gia đình là chỗ dựa chính của cuộc đời mỗi con người.
Anh nảy ra một khao khát được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông, nhưing anh không thể thực hiện
được. Anh đã nhờ Tuấn - con trai anh sang thực hiện thay mình. Nhưng đứa con không hiểu và đã để lỡ
chuyến đò duy nhất trong ngày. Qua nhân vật Nhĩ, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã rút ra một quy luật
mang tính triết lí về con người, cuộc đời: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những điều
vòng vèo hoặc chùng chình...", thức tỉnh mọi người về những giá trị bền vững bình thường và sâu xa của
cuộc sống - những giá trị thường bị người ta bỏ quên nhất là khi còn trẻ.
5. Truyện ngắn
“Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê:
Truyện kể về ba nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm
kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là những nữ thanh niên còn rất trẻ tuổi. Công việc của họ là theo
dõi máy bay địch ném bom, đo đếm khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, san lấp mặt đường và phá
bom nổ chậm. Công việc của họ thật khó khăn, vất vả và luôn phải đối mặt với cái chết. Nét nổi bật ở họ
là lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Họ còn mang những nét tính cách của
những cô gái trẻ: hồn nhiên, trong sáng, nhạy cảm và nhiều mơ mộng. Việc tạo tình huống trên nhà văn
Lê Minh Khuê muốn thể hiện tâm hồn hồn nhiên trong sáng đầy mơ mộng và lòng dũng cảm, tinh thần
đoàn kêt, tình đồng chí đồng đội của những nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước.