CHÙM THƠ THU VÀ NỖI LÒNG CỦA TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ
Bùi Ngọc Minh
1.Cho đến nay, ta không biết đích xác thời điểm cụ thể ra đời ba bài thơ thu nức tiếng của Nguyễn Khuyến, nhưng căn cứ vào tâm sự mà ông kí thác trong đó, có thể ước đoán chúng được viết khi Nguyễn Khuyến đã hưu quan về ẩn tại quê nhà với lí do mắt bị lòa. Đây là cách ứng xử lánh đục về trong đã thành truyền thống của nho gia. Các nhà nghiên cứu lâu nay đã khai thác rất kĩ cái thần tình của cảnh làng quê Bắc bộ vào thu, tôn vinh ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Điều ấy thật đáng trân trọng. nhưng nỗi lòng của cụ Tam Nguyên xem ra vẫn còn phải bàn tiếp. Bài viết này sẽ khai thác chủ yếu tâm sự của ông về thân thế, thời thế và nhân thế kí ngụ trong kiệt tác tam thu của ông.
2. Chùm thơ Nôm đường luật thất ngôn bát cú này, không ngẫu nhiên chút nào khi được đặt tên chữ làThu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu. Nó còn có ba bài thơ cùng tên viết bằng chữ Hán, nhưng người đời lại chủ yếu truyền tụng ba bài chữ Nôm. Điều này thật nhiều ẩn ý. Nó khiến ta nhớ tới chùm thơ Thu hứng của Đỗ Phủ thời Đường viết khi loạn An Lộc Sơn – Sử Tư Minh xảy ra. Đỗ Phủ (712 – 770) khi ấy vì loạn lạc mà tha hương, mong đất nước thái bình để bách tính an lạc làm ăn, mình được hồi hương. Nguyễn Khuyến sống trong một tình thế khác. Nước vẫn còn vua, mà chủ quyền đã mất. (Vua chèo còn chẳng ra gì – Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề - Lời vợ người hát chèo). Bậc trí giả cỡi đầu người kể đã ba phen đã nhận thức được sự lỗi thời lép vế, mất giá của nhà nho, đạo Nho (Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo khăn lại nghĩ thẹn thân già). Thậm chí ông thấy những ông tiến sĩ (trong đó có mình) chỉ là hàng mã, đồ chơi mua vui cho trẻ nhỏ nhân tết trung thu: Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe -Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi (Tiến sĩ giấy). Đạo Nho, đẳng cấp sĩ đã bị thời thế vượt qua, thậm chí một số nhà nho còn cam tâm vứt bỏ nhân cách cam tâm, làm tay sai cho kẻ thù dân tộc. Nguyễn Khuyến chọn con đường mà ông gọi là “dũng thoái” để giữ lấy tiết tháo, giữ lấy nền nếp gia phong. Vì vậy, Thu vịnh mà dịch thành Vịnh mùa thu hay Mùa thu làm thơ có gì đó thật chưa ổn. Thu điếu khiến ta nhớ tới Lã Vọng Khương Tử Nha (TKXII, TCN).Tích xưa kể rằng: Tề Thái Công đã già còn ngồi câu cá trên bến sông Vị Thủy; câu cá mà không mắc mồi, lưỡi câu uốn thẳng. Biết ông là hiền tài, nhà Chu mời ông ra giúp nước. Ông đã góp phần quan trọng làm nên cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu ở Trung Quốc xưa. Lã Vọng câu cá chờ thời thế, Nguyễn Khuyến câu cá quên thời thế, nhưng không quên được trách nhiệm của kẻ sĩ trước thời cuộc (Ơn vua chưa chút đáp đền – Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời, Di chúc). Câu cá, vì vậy không nghiêng về nghĩa tả thực mà là ứng xử trữ tình của thi nhân. Dịch là Mùa thu câu cá liệu có ổn không ? Thu ẩm lại khiến ta liên tưởng tới bài thơ Ẩm tửu của Đào Tiềm (365 – 427), một danh sĩ cuối đời Đông Tấn
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn...
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
Dịch thơ:
Uống rượu
Nhà cỏ giữa nhân cảnh,
Không thấy ồn ngựa xe.
Hỏi ông: “Sao được vậy ?”
Lòng xa, đất tự xa.
Hái cúc dưới giậu đông,
Thơ thới nhìn núi Nam.
Khí núi ánh chiều đẹp,
Chim bay về từng đàn.
Trong cảnh có thâm vị,
Muốn tả đã quên lời. (1)
Hay Tương tiến tửu (Sắp mời rượu) của Lí Bạch (701- 762), với câu cuối : Dĩ nhữ đồng tiêu vạn cổ sầu(Uống cho muôn thuở tiêu sầu). Bạch Cư Dị (772 - 846) trong một bài thơ làm năm 49 tuổi cũng có câu: Công danh phú quí phải có mệnh – Mệnh chưa đến hãy uống rượu mà hát vang lên. Đặng Dung (? – 1414) thời Hậu Trần trong Cảm Hoài cũng có câu: Vô cùng thiên địa nhập hàm ca. Sau này Trần Huyền Trân (1913 - 1989) cũng có câu: Cụ hâm rượu nữa đi thôi – Be này đã cạn sạch rồi còn đâu – Để rồi ta uống với nhau – Rót đau lòng ấy vào đau lòng này. Hóa ra đều cùng là một ứng xử trữ tình của nòi thi nhân. Uống rượu chờ thời, quên thời, uống rượu vì bất đắc chí,