UBND THỊ XÃ QUẢNG YÊN
PHÒNG GD&ĐT QUẢNG YÊN
ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH GIỎI LỚP 9
NGÀY 06-8-2021
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút
(Không kể thời gian giao đề)
----------------------
Câu 1 (2 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới
MUỐI TO, MUỐI BÉ
Hạt muối Bé nói với hạt muối To:
- Em đến chia tay chị này, em sắp được hòa trong đại dương.
Muối To trố mắt:
- Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế? Em muốn thì cứ làm, chị
không điên!
Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To
lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn
bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, người ta gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế
phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đóng vào bao sạch đẹp…
Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng
người ta cho muối To vào nồi cám heo. Tủi nhục ê chề, nó thu mình co cứng
hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.
Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra
đường. Người người qua lại đạp lên nó.
Trời đổ mưa, muối Bé, bây giờ là hạt mưa, gặp lại muối To. Muối Bé hí
hửng kể:
Tuyệt lắm chị ơi! Khi em hòa tan trong nước biển, em được bay lên trời,
sau đó em thành mưa tưới mát cho Trái Đất thêm xanh tươi. Thôi chào chị, em
còn đi chu du nhiều nơi trên Trái Đất trước khi về biển, chuẩn bị một hành trình
tuyệt vời khác…
Nhìn muối Bé hòa mình với dòng chảy, xa dần, xa dần… bỗng dưng muối
To thèm khát cuộc sống như muối Bé, muốn hòa tan, hòa tan…
( Theo Truyện cổ tích chọn lọc)
Câu hỏi:
a.Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
b.Trước việc hòa tan vào đại dương, tại sao muối To cho đó là “ dại” còn muối
Bé lại thấy là “ tuyệt lắm” ?
c.Khi vào mùa thu hoạch, số phận của muối To như thế nào?
d.Nêu ý nghĩa biểu tượng của hạt muối trong câu chuyện trên?
Câu 2 (6,0 điểm). Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về cách
sống của muối Bé trong câu chuyện trên.
Câu 3 (12,0 điểm):
Nhà thơ Sóng Hồng từng nói “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một
cách cao đẹp”. Từ bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (SGK Ngữ văn 9, tập một) hãy
làm sáng tỏ nhận định.
……………............….Hết...........…………………