Văn học là phương tiện phản ánh tâm tư tình cảm của con người. Văn học giúp cho con người chung sống với nhau bằng tình cảm đẹp đẽ. Chính vì thế, văn học luôn đề cao tính nhân văn, giá trị nhân đạo, lòng thương người và rộng hơn là yêu cuộc sống. Đúng như nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong văn bản “Ý nghĩa văn chương”: ''Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật,muôn loài''. Đọc các đoạn trích “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du ta hiểu sâu sắc hơn ‘nguồn gốc cốt yếu” sâu xa ấy.
“Văn chương” là các tác phẩm thơ văn, là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Trong tác phẩm văn chương, nhà văn không chỉ phản ánh cuộc sống - con người và vạn vật, mà còn bày tỏ thái độ, tình cảm trước cuộc sống ấy. Vì thế tác phẩm là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc của người sáng tác, được hình thành, nảy nở từ tình cảm của tác giả đối với cuộc sống, con người, quan trọng nhất là tình thương. “Tình thương người, thương cả muôn vật, muôn loài” chính là là lòng nhân ái – một tình cảm rộng lớn, cao cả, mang tầm nhân loại. Tình cảm ấy không chỉ là cội nguồn của văn chương mà còn là thước đo giá trị của tác phẩm văn chương chân chính. Đó chính là giá trị nhân đạo, là những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Như vậy, ý kiến của Hoài Thanh là một nhận định về giá trị tư tưởng của tác phẩm văn chương, khẳng định nguồn gốc cốt yếu của các tác phẩm văn chương chính là giá trị nhân đạo.
Ý kiến của tác giả Hoài Thanh hoàn toàn đúng. Trong các đoạn trích của Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du đã thể hiện tinh thần nhân đạo- lòng yêu thương con người, yêu vạn vận muôn loài. Biểu hiện ở tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, cảm thông, xót xa trước những hoàn cảnh, những số phận bất hạnh; lên án, tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người; ngợi ca, đề cao những vẻ đẹp, phẩm giá cao quý; trân trọng, nâng niu khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người.