ÔN TẬP: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Dạng 1: Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
A. Kiến thức cơ bản
I. Thế nào là nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống ?
-.Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…).
II. Đối tượng nghị luận
– Đối tượng nghị luận là các sự việc hiện tượng đời sống đáng suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày, nhất là các hiện tượng liên quan trực tiếp đến tuổi trẻ và có ý nghĩa đối với xã hội…
– Các hiện sự việc hiện tượng này có thể có ý nghĩa tích cực như: ý chí, nghị lực, tình yêu thương… nhưng cũng có thể là những hiện tượng tiêu cực cần phê phán như: sự lười nhác, những thói quen xấu, tham nhũng…
III. Những điểm cần lưu ý trong đề bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống
- Đề bài:
+ Có đề cung cấp sẵn sự việc, hiện tượng dưới dạng một câu chuyện, một mẩu tin để người làm bài sử dụng.
+ Có đề không cung cấp nội dung sẵn, mà chỉ gọi tên, người làm bài phải trình bày, mô tả sự việc, hiện tượng đó.
+ Mệnh lệnh trong đề thường là: nêu nhận xét, nêu ý kiến, nêu suy nghĩ của mình, bày tỏ thái độ, trình bày suy nghĩ…
– Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống thường có ba loại nhỏ:
+ Trình bày suy nghĩ về một hiện tượng trong đời sống xã hội: như nghị lực, ý chí, tình yêu thương…
+ Trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trong đời sống xã hội trở lên: như thất bại và thành công, cho và nhận… Loại này cần xem xét quan hệ giữa hai hiện tượng.
+ Từ một hiện tượng thiên nhiên, trình bày suy nghĩ về đời sống xã hội như: Giữa một vùng khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những đóa hoa thật đẹp; câu chuyện hai biển hồ ở Palétxtin… Suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng trên.
IV. Dàn ý làm bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
1. Mở bài:
– Dẫn dắt ngắn gọn vào sự việc, hiện tượng cần nghị luận.
– Nêu luôn thái độ đánh giá chung về hiện tượng đó.
2. Thân bài: Văn nghị luận về sự việc hiện tượng đời sống.
*LĐ1: Giải thích hiện tượng
* LĐ2: Nêu thực trạng, các biểu hiện cụ thể trong cuộc sống của sự việc hiện tượng được nêu như thế nào?
Yêu cầu:
– Có thể nêu mối quan hệ của hiện tượng này với ngữ liệu phần Đọc hiểu.
– Cần nêu những ví dụ, những trường hợp cụ thể, chi tiết và chân xác.
– Nếu nhớ rõ, có thể trích nguồn hoặc thông tin.
– Nếu không nhớ rõ thì tuyệt đối không được ghi sai lệch thông tin, làm giảm tính thuyết phục của bài viết.
* LĐ3: Nêu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
Yêu cầu:
– Nguyên nhân của hiện tượng xã hội bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp.
– Nguyên nhân đưa ra cần hợp lý, chính xác.
* LĐ4:Nêu đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, kết quả – hậu quả, bày tỏ thái độ biểu dương hay phê phán đối với sự việc hiện tượng nghị luận
Yêu cầu:
– Thái độ đánh giá khách quan, rõ ràng.
– Có thể nêu những cách đánh giá mang màu sắc cá nhân, nhưng phải thuyết phục và hợp lý.
*LĐ5: Biện pháp khắc phục hậu quả hoặc phát huy kết quả.
Yêu cầu:
– Biện pháp đưa ra cần thiết thực, khả thi, không chung chung, trừu tượng.
– Biện pháp bao gồm cả biện pháp của xã hội – cơ quan, Nhà nước – cá nhân; cả ý thức – hành động của cá nhân.
* LĐ6:Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động cho mình.
Yêu cầu:
– Bài học cho bản thân cần phù hợp với quan điểm, thái độ cá nhân nêu trước đó.
– Cần nêu hai bài học: một bài học nhận thức, một bài học hành động.
3. Kết bài
– Nêu suy nghĩ về tầm quan trọng của sự việc hiện tượng đã nghị luận.
– Đưa ra thông điệp, hay lời khuyên cho mọi người.