ĐỀ SỐ 1
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
Một cô giáo trường công đã giúp tôi hiểu rõ cái ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.
Khi nhìn cách tôi cầm sách trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô đã nhận thấy có gì không bình thường; cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô, không phải kiểu làm việc thiện mà như với một người bạn. Thật ra, tôi ngạc nhiên về hành động đó đến nỗi không nhận biết được chuyện gì đã xảy ra, cho tới một ngày kia cô đưa cho tôi một cặp kính.
“Em không thể nhận được. Em không có tiền trả đâu”, tôi nói, cảm thấy xấu hổ vì nhà mình
nghèo.
Cô liền kể chuyện cho tôi nghe: “Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô.
Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời.”
Thế rồi cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa ai từng nói với tôi: “Một ngày nào đó em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.
Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho kẻ khác với tấm lòng tận tụy.
( Theo Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản?
Câu 3: Hãy đặt nhan đề cho văn bản?
Câu 4: Viết bài văn nghị luận ngắn( khoảng một mặt giất thi) trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em rút ra từ ngữ liệu trong phần đọc hiểu trên.
ĐÁP ÁN
Câu 1. - Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 2. - Nội dung chính của văn bản: Văn bản kể chuyện 1 cô giáo đã giúp cho nhân vật tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc cho và nhận.
Câu 3. - Đặt nhan đề cho văn bản ( HS có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau, nhưng yêu cầu nhan đề phải thể hiện được nội dung của văn bản), ví dụ: Cho và nhận, ….
Câu 4:
- Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ( cho và nhận...)
- Thân bài: Giải thích, trình bày, chứng minh làm rõ vấn đề
- Giải thích:
+ Cho là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tấm lòng của một người. Nhận là được đáp trả, được đền ơn.
+ Cho và nhận là mối quan hệ nhân quả, tương trợ, bổ sung cho nhau.
- Biểu hiện:
+ Sự chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đau khổ
+ Chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn.
+ Điều nhận lại đôi khi không phải trong phút chốc, hiển hiện ngay trước mắt mà có khi là cả một quá trình.
- Ý nghĩa: Cho và nhận là việc làm đáng được ngợi ca với tinh thần: “ một người vì mọi người”
Phê phán: Những kẻ tham lam, ích kỉ, sống tàn nhãn, chỉ muốn nhận, muốn vay mà không muốn cho, muốn trả; phê phán một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết “cho”…
- Bài học: Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Cho đi là điều chúng ta nên làm trong cuộc sống hằng ngày để nhận lại rất nhiều thứ về sau. Mỗi người hãy cho đi nhiều hơn để nhận lại nhiều hơn
- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của bức thông điệp của sự cho và nhận, mở rộng nâng cao vấn đề và liên hệ bản thân.