- ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, từ bậc Trung học cơ sở trở lên việc dạy và học toán có sự hỗ trợ của máy tính đã trở nên rất phổ biến. Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học, kích thích ham muốn học hỏi tìm tòi khám phá trong học tập và áp dụng vào trong thực tế cuộc sống, việc hướng dẫn học sinh trung học cơ sở nói riêng và học sinh nói chung sử dụng máy tính cầm tay để hỗ trợ tính toán là việc làm vô cùng cần thiết.
Từ lớp 6 trở đi, đa số học sinh khi đến trường học đều trang bị cho mình một chiếc máy tính cầm tay (MTCT) để cho tiện trong việc tính toán khi làm bài tập. Nhưng đa số học sinh dùng máy tính để tính toán thông thường như cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa, căn thức,… Còn đối với các loại toán khác (tìm dư, lượng giác, tràn màn hình,...) thì hầu như các em hoàn toàn không biết dùng máy tính giải như thế nào. Các em không khai thác được hết các chức năng của máy tính để có thể giúp các em làm bài tập môn Toán một cách “hoàn hảo” hơn.
Mặt khác trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 lượng bài tập nhiều và có rất nhiều bài tập cần phải sử dụng đến MTCT. Trong khi lí thuyết trình bày trong một tiết dạy nhiều, phần lớn không được chứng minh mà công nhận là chủ yếu, các thuật toán để giải một số dạng toán không được trình bày đầy đủ; trong sách giáo khoa các nội dung về sử dụng máy tính điện tử cầm tay thường chỉ được trình bày khá “sơ sài”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để học sinh khai thác được hết tính năng của chiếc máy tính cầm tay trong việc giải các bài toán đơn giản, các bài toán có thuật toán, các bài toán có qui luật như dãy số, chuỗi,….
Trong các kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vài năm trở lại đây của Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều các bài tập thực tế đòi hỏi nhiều kĩ năng trong đó có cả kĩ năng sử dụng thành thạo máy tính cầm tay.
Cuối cùng, trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy nếu trình bày cho các em các phương pháp sử dụng máy tính cùng với thuật giải để giải các bài toán ngay trong các bài học của sách giáo khoa sẽ giúp cho học sinh hứng thú học tập hơn, tiếp cận tốt với chương trình toán đổi mới một cách nhanh chóng hơn. Với ý tưởng như trên tôi xin nêu ra một giải pháp “Sử dụng máy tính cầm tay trong giải toán 9”.
- MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu
Các bài toán có sử dụng MTCT để hỗ trợ trong chương trình môn Toán 9.
- Phạm vi nghiên cứu
Chương trình SGK Toán 9, mở rộng ôn thi tuyển sinh 10.
Lưu ý: Không trình bày các vấn đề cơ bản về MTCT vì các em đã làm quen từ năm lớp 6 và vấn đề này đã có nhiều tài liệu hướng dẫn.
- Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp quan sát:
- Thông qua việc giảng dạy để tìm hiểu đưa ra những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp, gây được hứng thú nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong tiết học.
- Dựa vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh qua các bài học trên lớp, qua các bài kiểm tra.
Phương pháp trò chuyện: Trao đổi với giáo viên dạy toán khác và học sinh để tham khảo ý kiến nhằm rút ra phương pháp dạy học tích cực và cách thức dạy học đạt kết quả cao.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Đọc và tìm hiểu các tài liệu trình bày về phương pháp dạy học tích cực, cách thức tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh nhằm tham khảo các vấn đề lý luận cũng như cách tiến hành các hoạt động dạy và học.
Phương pháp thực nghiệm: Áp dụng một số phương pháp dạy học và hình thức tổ chức hoạt động dạy và học vào một số tiết học từ đó rút kinh nghiệm để đưa ra những phương pháp dạy và học phù hợp. Đan xen việc giải toán trên MTCT trong các tiết dạy (đưa thêm một số bài tập có số phức tạp, kết hợp nhiều phép tính,…)
- Mục tiêu nghiên cứu
Nâng cao kĩ năng sử dụng MTCT để giải các bài toán. Từ đó các em có kết quả học tập tốt hơn.
Kích thích sự hứng thú học môn Toán.
- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
- Cơ sở lí luận
- Các kiến thức cơ bản về MTCT Casio, Vinacal, Flexio
- Với việc rèn luyện phương pháp giải bài tập cụ thể ở từng dạng – từng nội dung trong chương trình, tôi mong muốn xây dựng cho các em một nền tảng vững chắc trong việc học tập bộ môn đồng thời góp phần đem lại niềm vui, hứng thú trong học tập cũng như lấp đi chỗ hổng kiến thức của các em.
2. Thực trạng
a) Thuận lợi
- Tổ Toán của trường THCS Hai Bà Trưng năm học 2022 – 2023 có 9 giáo viên. Trong đó có 6 giáo viên tham gia dạy môn Toán khối 9. Tất cả giáo viên trong tổ đều đạt chuẩn, tay nghề vững, tâm huyết với nghề.
- Các thành viên trong tổ được sự quan tâm, chỉ đạo của chuyên môn nhà trường và chuyên môn huyện Nhà Bè.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường tương đối đầy đủ, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là có CPU, màn hình chiếu để sử dụng phần mềm giả lập của MTCT.