A. SỰ CẦN THIẾT, MỤC Đ ÍCH CỦA VIỆC THỰC HIỆN GIẢI PHÁP
1. Tổng quan về mục đích của việc thực hiện giải pháp, sự cần thiết của giải pháp.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã chỉ rõ:
Về quan điểm chỉ đạo, “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.”
Về mục tiêu, “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”.
Nội dung môn Toán thường mang tính logic, trừu tượng, khái quát. Do đó, việc vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các bài toán đòi hỏi tư duy logic, lập luận cần chặt chẽ và có căn cứ. Trong đó, việc chứng minh các đặc tính hình học là yêu cầu khó đối với HS nói chung và HS khá giỏi nói riêng. Việc phải tổng hợp các kiến thức từ các lớp dưới, nắm chắc các đặc tính của các hình, tư duy và suy luận logic thường làm cho HS lúng túng khi giải quyết các bài tập hình.
2. Mục tiêu nghiên cứu của sáng kiến
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học môn Toán 9 tại trường THCS xã Nùng Nàng tôi nhận thấy HS còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện chứng minh các đặc tính hình học. Đặc biệt việc sử dụng các loại góc với đường tròn, tứ giác nội tiếp HS còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải có biện pháp để giúp HS khắc phục những hạn chế trong quá trình giải các bài tập chứng minh hình học, đưa ra các biện pháp để nâng cao năng lực cho HS trong việc phát triển tư duy, rèn kĩ năng trình bày bài toán chứng minh hình học.
Là một phần kiến thức quan trọng trong các kiểm tra, đề thi, việc chứng minh các đặc tính hình học thường quyết định đến tổng số điểm của kiểm tra, bài thi, có tính chất quyết định tới kết quả kiểm tra, thi. Tuy nhiên, việc chứng minh các đặc tính hình học liên quan đến đường tròn còn gây cho HS nhiều lúng túng, cả về kiến thức cũng như phương pháp giải.
Từ những lí do trên, qua quá trình giảng dạy, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tôi mạnh dạn viết sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng phụ đạo học sinh yếu, kém môn toán 9 chủ đề góc với đường tròn (Chương III hình 9) tại trường THCS xã Nùng Nàng”.
3. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp đọc sách và tài liệu, tham khảo Internet...
- Phương pháp điều tra, khảo sát
- Phương pháp thực nghiệm
4. Phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng
Phạm vi nghiên cứu: Sáng kiến thực hiện trong phạm vi nhóm HS yếu kém toán 9.
Lĩnh vực: Giáo dục